Phật Thích Ca Mâu Ni

Phật Thích Ca, tên thật là Tất Đạt Đa, họ Cồ Đàm, sinh vào khoảng thế kỷ thứ VI TCN, ở phía bắc Ấn Độ. Cha là Tịnh Phạn, trị vì dân tộc Thích Ca (là một phần đất xứ Nespal ngày nay, dưới chân Hy Mã Lạp Sơn), còn mẹ là hoàng hậu Maya.

Năm 16 tuổi, Thái tử lấy vợ là nàng Yasodhara và sống cuộc sống cực kỳ sang trọng trong cung điện. Nhưng bẩm tánh Thái tử đa sầu đa cảm, khi nhận thấy thực trạng thống khổ của đời người xung quanh mình, bèn quyết tâm đi tìm phương cứu khổ cho bản thân và nhân loại. Lúc Thái tử bỏ nhà ra đi chính là lúc vợ vừa hạ sinh đứa con trai đầu lòng và duy nhất La hầu la. Bấy giờ Thái tử 29 tuổi.

Sáu năm ròng rã, Ngài lang thang đây đó ở khắp thung lũng sông Hằng để cầu thầy học Đạo và theo đủ mọi cách khổ hạnh cùng tu luyện của hầu hết các môn phái truyền thống mong tìm giải thoát. Nhưng không thoả mãn, Ngài bỏ tất cả các giáo phái truyền thống kia đi, và tự mình đi tìm Chân lý.

Một đêm, đang ngồi trầm mặc dưới gốc cây bồ đề, Ngài hốt nhiên đại ngộ. Bấy giờ Ngài mới vừa ba mươi lăm tuổi. Từ đó, người ta gọi Ngài là Phật, nghĩa là người giác ngộ, giác ngộ được cái nguồn gốc của đau khổ và sinh tử.

Sau khi đắc Đạo, Ngài thuyết pháp lần thứ nhất ở Lộc Uyển, gần thành Benaes ngày nay, cho năm nhà tu hành khổ hạnh, những bạn cũ cùng đi tìm Đạo như Ngài. Ròng rã suốt bốn mươi chín năm, Ngài không ngớt đem cái đạo diệt khổ giảng cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân không phân biệt nam nữ già trẻ hay giai cấp sang hèn gì cả. Ngài nhập diệt năm tám mươi tuổi, ở Kusinara.

***

Trong đời sống của Ngài, có ba giai đoạn quan trọng tiêu biểu được cả một hệ thống giáo lý của Ngài: (1) Lúc thiếu thời; (2) Khi xuất gia; (3) sau ngày đắc Đạo. Cuộc đời ấy có thể gọi là cuộc đời điển hình cho những ai quyết tâm đi vào con đường giải thoát, chứ không phải riêng gì của Ngài. Hay nói một cách khác, đời sống của Ngài chứng minh một cách hùng hồn giáo lý của Ngài còn hơn tất cả các kinh luận của Phật pháp.

1. Lúc thiếu thời

Thái tử Tất Đạt Đa vốn là một đứa trẻ cực kỳ thông minh, nhất là có tính trầm ngâm và thích sống một mình trong cô tịch. Thuật rằng, một hôm cùng với các bạn trẻ đồng tuổi đi chơi vào một thôn xóm dân quê, Thái tử bỏ đoàn trẻ con, một mình lẻn tìm một cội cây to nơi hoang vắng để trầm tư mặc tưởng. Trời đã tối mà Thái tử vẫn không để ý, khiến các bạn bè hốt hoảng đi tìm kiếm khắp nơi. Vua cha cho quân lính đi lùng khắp chốn mới tìm thấy Thái tử lẳng lặng ngồi một mình trong bóng tối.

Việc ấy đâu phải là việc bất thường, đó là việc mà hằng ngày hằng xảy ra ngay trong đền vua. Tất Đạt Đa thường thích chơi một mình, nhất là thích ngồi một mình dưới gốc cây trong vườn của vua cha. Phải chăng đó cũng là bản tính chung của phần đông những bậc vĩ nhân trong tư tưởng giới có một đời sống nội tâm phong phú dồi dào ngay buổi họ còn thơ ấu.

Chính cái đặc tính ấy khiến cho vua cha lo sợ, vả lại lúc mới sinh ra Thái tử, các thầy tướng số đã đoán sau này Thái tử sẽ ly gia, thoát tục. Như vậy, vua cha cần phải lo dứt “hậu họa”, tròng lên đầu Thái tử cái ách gia đình, Tất Đạt Đa cần phải lấy vợ gấp.

Muốn ràng buộc Thái tử quyến luyến cuộc đời trần tục, vua cha càng ngày càng cho tăng những thú vui quyến rũ của xác thịt… Nhưng Thái tử dù đã được nuông chiều và nuôi trong nhung lụa vàng son, đầy xa hoa truỵ lạc vẫn không bị say đắm sa đoạ, mà lại còn làm cho lòng càng thêm chán ghét! Cảnh phú quý cực độ… đã giúp cho Ngài thấy rõ cái tầm thường tẻ nhạt của nhục dục và cái trống rỗng vô nghĩa của cuộc đời ích kỷ! Có sống trong phú quý, rồi khinh phú quý, mới thật là người khinh phú quý.

Tánh ham suy nghĩ khiến Ngài bao giờ cũng phóng tầm con mắt ra xa hơn hiện tại, nên dễ thấy rõ được cái chỗ cuối cùng cũng như cái chỗ khởi đầu của sự vật, nghĩa là thấy được cái Nhân và cái Quả của việc đời. Và chính cái óc nhân quả ấy khiến sau này Ngài suy tìm ra được cái nguyên nhân của đau khổ. Câu chuyện bốn lượt dạo chơi ra bốn cửa thành giúp cho ta thấy rõ cái óc nhân quả ấy đã bắt đầu hướng Thái tử vào con đường ly gia xuất tục sau này.

Lần đầu tiên dạo chơi ở cửa thành phía Đông. Thái tử trông thấy một cụ già lụ khụ, đầu tóc bạc phơ, chỉ còn có da bọc xương… Thấy người mà ngẫm đến mình, trẻ rồi lớn, lớn rồi già…! Trở về cung, Ngài mãi ngùi ngùi.

Lần khác dạo ra cửa thành phía Nam, Thái tử gặp một người bệnh nằm rên la thảm thiết quả! Trở về cung, Thái tử cũng mãi ngùi ngùi về cái khổ của bệnh tật hằng ngày bao vây con người, không buông tha cho một ai cả thảy.

Lần khác nữa dạo ra của thành phía Tây, gặp một đám tang: thân bằng theo sau khóc than thảm thiết quá! Trở về cung, Thái tử lại càng thêm xúc động về cái lẽ vô thường của số kiếp con người: trẻ rồi lớn, lớn rồi già, già rồi bệnh, bệnh rồi chết… Sinh, lão, bệnh, tử: Khổ!

Lần thứ tư, dạo chơi ra cửa thành phía Bắc, Thái tử gặp một người mặc áo vàng… đi đứng khoan thai, vẻ người điềm đạm ung dung! Đó là một vị tu hành. Ý xuất gia tìm Đạo đã bắt đầu chuyển mạnh trong lòng Ngài.

Truyền rằng, sau khi Thái tử trở về cung thì quân hầu báo tin vợ Thái tử mới sinh được một đứa con trai. Thay vì tỏ vẻ mừng như mọi người, Thái tử sầm nét mặt than: “Lại một sợi dây xiềng toả thêm nữa!”.

Và có lẽ cái tin của đứa trẻ vừa sinh đã thúc giục Thái tử phải mau cương quyết ly gia cắt ái để mà bớt những dây ràng buộc của tình thương. Rồi đương đêm, Thái tử sai chàng Chamda, người giữ ngựa, thắng ngựa Kanthaka, cương quyết cùng trốn ra cửa thành phía Bắc.

2. Khi xuất gia

Ở Ấn Độ từ xưa vẫn tin rằng không một ai có thể tự mình tìm được Chân lý, mà phải cần có người chân sư hướng dẫn. Bởi vậy, theo truyền thống Thái tử Tất Đạt Đa cũng như mọi người đi cầu Đạo với hai đại sư có tên tuổi là Alara Kalama và Roudraka. Kalama thì ở Vaicali, cònRoudraka thì ở Rajagriha. Đối với hai bậc đại đức trên đây, Thái tử tỏ ra rất chăm học… Nhưng năm người đệ tử của Roudraka lại chạy theo Tất Đạt Đa, cho rằng Thái tử còn cao đệ hơn thầy của họ nhiều!

Sau cùng, Tất Đạt Đa bỏ hai ông Kalama và Roudraka mà đi luôn, vì ông cảm thấy cái học của họ không giải quyết được vấn đề diệt khổ. Đi tìm Đạo, đâu phải cần có người hướng dẫn, Tất Đạt Đa đã lần đầu tiên phá bỏ được một thành kiến là tu không cần phải có Thầy. Mỗi người đều có thể “tự tu tự ngộ!”.

Nhưng Ngài vẫn còn thắc mắc trong một thành kiến khác nữa của Ấn Độ, là còn tin nơi hiệu quả của sự “tu ép xác”, nghĩa là “tu khổ hạnh”! Ngài nhịn ăn, bỏ ngủ, tỉnh toạ, hành xác đủ mọi cách theo các nhà tu ngoại đạo… nhưng rốt cuộc chỉ đem đến một thể xác bạc nhược đến độ ngất xỉu! Tỉnh lại, Ngài mới rõ sự sai lầm của phương pháp khổ hạnh.

Ngài ăn lại, cảm thấy sức khoẻ trở về với tất cả sự sáng suốt của tinh thần. Ngài khám phá ra được sự liên lạc chặt chẽ giữa tinh thần và vật chất, bất cứ mọi phương pháp phản tự nhiên nào cũng đều sai lầm cả. Lại thêm một thành kiến bị đánh đổ: Khổ hạnh không phải là con đường tìm đạo.Nhưng năm người đệ tử trước đây đã theo Ngài bèn bỏ Ngài, vì họ đâu có dè Ngài lại “tầm thường” trở về con người của thế tục.

Bấy giờ, một mình trong cô tịch, Ngài nghiền ngẫm về cái cảnh vô thường của sống chết, sự đau khổ của loài người bám theo giả ảnh của các sự vật không thực có, và sự kinh khủng của họ trước cảnh tiêu vong!

Một hôm, trong khi Ngài đang ngồi dưới cội bồ đề, bỗng thoát nhiêu tỉnh ngộ: bao nhiêu bức màn vô minh che lấp chân tâm rớt đi từng mảnh. Một trạng thái biến chuyển cực kỳ nhanh chóng của thế giới vô thường chứng cho Ngài cái cảnh vi diệu của Niết bàn. Tất Đạt Đa đã hốt nhiên thành Phật.

3. Khi thành Đạo

Thành Đạo rồi, Ngài phải làm gì bây giờ? Trước đây sở dĩ Ngài đi tìm Đạo, đâu phải chỉ cho cá nhân Ngài mà làm cho toàn thể nhân loại đau khổ.

Nhưng chính ngay khi Ngài đắc Đạo, Ngài lại cảm thấy do dự không rõ có nên đi truyền bá chân lý ấy cho người người trong thiên hạ chăng? Chân lý mà Ngài sắp đem truyền bá là cái chân lý Vô Ngã, người trong thiên hạ ai mà chịu nghe. Giả sử mà có nghe, nhưng vì nó rất cao siêu, quá tầm hiểu biết của con người, không khéo lại đi làm công việc công dã tràng phí công vô ích!

“… Ta đã tìm ra chân lý giải thoát, rất khó nhận thức được, rất khó hiểu biết được, và chỉ có kẻ nào thật thông minh mới có thể hiểu nổi mà thôi!…

Nhân loại đang bị lôi cuốn trong “sông mê sóng dục” và vui say chìm đắm trong đó. Khó làm cho họ nhận ra rõ được lý nhân duyên giả hợp, diệt trừ được các thứ “vô minh hành thức” của họ được!…

… Như vậy đem cái mà mình đã bao phen khó nhọc tìm ra để truyền bá có ích lợi gì? Giáo lý ấy, kẻ đầy dẫy lòng tham, sân… không làm gì lĩnh hội được…”

Nghĩ vậy, Ngài quyết ý lặng thinh không muốn đem ra mà truyền bá nữa. Thần Brahama liền hiện lên đả phá óc hoài nghi của Ngài:

“Ngài hãy nghĩ lại cho thật kỹ… hiện thời cũng không biết bao kẻ mà tinh thần chỉ bị một vài bức màn vô minh rất mỏng che đậy thôi. Họ có thể lĩnh hội được, chứ sao không. Bậc chí thánh, không cần ai khai thị đã đành, cũng như kẻ chí ngu không ai làm cho họ hồi đầu tỉnh ngộ, nhưng bậc trung lưu, thì rất có thể “khai quang điểm nhãn”, họ đang chờ đợi Ngài… vả lại họ đâu phải ít!”.

Ngài nhìn trước mặt, thấy một đầm sen… có cọng mọc lên khỏi mặt nước, cọng thì ẩn dưới mặt nước… Trên thế gian có kẻ trí người ngu, đâu phải tất cả đều là bọn ngu phu ngu phụ… Ngài bèn nói: “Chân lý sẽ mở rộng cho mọi người! Kẻ nào có tai để nghe thì nghe!”

***

Lòng do dự của Ngài lúc ban đầu, thực không phải là không có phần hữu lý và xác đáng (như những bậc Jesus, Lão Tử… đều cũng cùng một do dự thắc mắc như Ngài. Jesus nói: “Một người gieo giống, gieo một phần hột giống dài theo đường đi: hột giống bị người đi đường đạp lên và chim trời ăn hết. Một phần rơi trên các tảng đá không có đủ đất; hột giống vừa mọc thì bị nắng thiêu tàn héo, vì không có đủ gốc rễ vững vàng. Một phần lại rơi nhằm các bụi gai: gai góc mọc trùm, nó không trổ được. Một phần may mắn rớt vào đất tốt, nó đơm hoa trổ trái… Kẻ nào có tai để nghe thì nghe!”). Còn Lão Tử thì viết bộ Đạo Đức Kinh rồi bỏ đó mà đi… cũng hàm một ý: “Ai đọc được thì đọc!”. Ông không khuyến dụ ai theo ông cả, vì ông không tin là ai có thể dạy ai; nếu người nghe họ không muốn nghe. Kẻ nào có tai và muốn nghe thì nghe. Nếu không thì ông đã chẳng viết Đạo Đức Kinh để làm gì!”). Phần đông người trong thiên hạ đều muốn được người ta giảng cho nghe những gì họ thích, thuận với lòng nguyện ước của họ hơn là những giáo lý không thoả được lòng mong mỏi đợi chờ của họ. Phải chăng ta thường nghe nhiều người đã nói: “Tôi muốn tìm một học thuyết, một tôn giáo nào hợp với tôi, thoả mãn với những đòi hỏi của tôi…”. Và như thế, tôn giáo học thuyết, chỉ không còn nghĩa gì khác hơn là một thoả mãn lòng tham dục, của cái Bản Ngã ti tiểu và vụ lợi của con người!

Phật giáo nguyên là một học thuyết Vô Ngã lâu ngày trở thành một giáo lý Hữu Ngã và cầu phúc! Họ bám vào thuyết Luân hồi để mong được kéo dài sự trường tồn của Bản Ngã! Hay nói một cách khác họ không chịu chấp nhận thuyết Vô Thường và Vô Ngã để cầu thoát khỏi cảnh luân hồi. Tín đồ Phật giáo càng ngày càng đông thì giáo lý của Phật càng ngày càng bị hạ thấp, và xuyên tạc. Đó là số phận chung của tất cả mọi giáo lý cao siêu, vượt hẳn cái tầm hiểu biết của đại chúng, không sao tránh được.

Và cũng vì thế, mà sau ngày Phật nhập diệt, giáo lý nhà Phật liền chia ra vô số tông phái, mỗi phái đều có những sắc thái riêng biệt cao thấp khác nhau, hợp với trình độ của nhiều nhóm người khác nhau về căn cơ trí thức.

***

Ngộ Đạo rồi, Ngài sang qua thành Varanasi, vào Lộc Uyển tìm lại năm người đệ tử của Roudraka mà trước kia đã từng theo Ngài tu khổi hạnh… và chính nơi đây, Ngài đã bắt đầu “chuyển pháp luân”, thuyết minh Tứ diệu đế. Theo kinh Tam Tạng, buổi thuyết pháp này được xem là quan trọng nhất, vì Ngài đã trình bày được một cách hết sức giản dị rõ ràng nền tảng của tất cả giáo lý của Ngài.

Ngài nói: “Có hai cái cực đoan mà người muốn sống được một đời sống giải thoát cần phải tránh xa. Cực đoan thứ nhất là lấy những lạc thú xác thịt làm mục đích của đời người. Đó là một nếp sống thô bỉ và ngu xuẩn! Nhưng cái cực đoan thứ hai là sống một đời khổ hạnh ép xác… cũng chỉ gây tạo cho con người thêm đau khổ vất vả vô ích!”.

Ngài đã tránh hai cực đoan ấy, và tìm ra con đường “giữa” – Con đường “Trung đạo”. Con đường ấy đã đưa Ngài đến Trí tuệ Bát nhã và giải thoát hoàn toàn. Ngài đã từng kinh nghiệm sâu xa hai cực đoan ấy. Trước kia. Thái tử đã nếm đủ mùi khoái lạc vật chất ở đời, nhưng Ngài thấy rằng đó chỉ là những khoái lạc nhất thời thôi, và chỉ làm cho Ngài băn khoăn và hối hận. Và về sau Ngài lại tu theo lối khổ hạnh, nhưng rồi cũng chỉ thấy toàn là đau đớn, chứ chẳng có ích lợi gì cho việc đi tìm Chân lý!

Như một bậc đại danh y, Ngài đã áp dụng một phương pháp diệt khổ không khác gì phương pháp trị bệnh của nhà y sĩ: Đau bệnh gì? Tại sao có bệnh ấy? Và phải làm cách nào để trị được bệnh ấy? Đó là Tứ diệu đế – bốn chân lý huyền diệu mà ta có thể gọi là tất cả tinh hoa của Phật giáo nguyên thuỷ.

1. Khổ: Không ai có thể không nhìn nhận rằng: đời là đau khổ. Khổ là cái bệnh chung của con người trên đời, và phải chăng, đã là người, thì không một ai là không lo tránh đau khổ, tìm hạnh phúc! Đó là tất cả vấn đề sinh tử của con người. Thực vậy, trong đời ta chỉ có hai động cơ này thúc đẩy hành động hằng ngày của ta, là ưa và ghét bất cứ ở phương diện nào lý trí hay tình cảm, tinh thần hay vật chất. Bị bắt buộc phải chấp nhận và sống chung với những gì mình không ưa thích, là khổ; mà bắt phải xa lìa với những gì mình ưa thích, cũng là khổ. Thiết tha ước vọng mà không được thì khổ đã đành; nhưng được rồi, cũng vẫn khổ, vì còn sợ mất! Phải có nhận chân được cái khổ của mình rồi, mới mong đi đến giải thoát. Thực ra phần đông người đời chưa biết khổ. Là vì họ nửa khóc nửa cười, chỉ nhận thấy cái khổ “ngoài da” chứ chưa từng “khóc ở trong lòng”. Cho nên mới nói rằng: “Phải có nếm mùi đau khổ thực sự thì mới mong tìm được con đường diệt khổ. Đừng sợ đau khổ. Cũng đừng tránh đau khổ”.

2. Nguồn Khổ do đâu mà ra? Do cái ước vọng không bao giờ nguôi, vẫn cứ nối gót theo những dục tình khoái lạc!

3. Đã biết được cái nguồn gốc của cái bệnh thống khổ rồi, vậy phải lo đến sự diệt khổ? Đó là giai đoạn thứ ba của chương trình Phật pháp.

4. Con đường dẫn đến giải thoát, là con đường Bát chánh của Phật pháp.

***

Ngài thường thuyết pháp ở hai khu vườn lớn là Kỳ viên và Trúc viên. Kỳ viên thì ở thành Xá Vệ do trưởng giả Cấp Cô Độc dâng, còn Trúc viên là của vua Bimbisara tặng. Hai vườn này cách nhau sáu trăm dặm.

Nhưng Ngài thường ở vườn Kỳ viên hơn, cho nên trong Kinh, ta thấy thường mở đầu bằng câu: “Như vầy, ta nghe một thời, Phật ở Xá Vệ, trong vườn Kỳ đà của ông Cấp Cô Độc, cùng với các vị đại tỳ khưu một nghìn hai trăm năm mươi người…”

Vào khoảng năm 480 TCN, Ngài tịch ở Kusinara, Ngài được tám mươi tuổi.

***

Trong thời gian thuyết pháp, Ngài đâu phải chỉ gặp toàn là thuận cảnh, có được luôn luôn những người quyền quý bảo hộ, những đệ tử quyết dạ phụng thờ. Ngài gặp rất nhiều trở ngại, gặp rất nhiều kẻ thù hằn, ganh ghét, chống đối và vu oan!

Cừu địch bên ngoài là các nhà tu ngoại đạo. Lúc bấu giờ Ấn Độ có sáu phái triết học lớn, sách Phật gọi là “lục phái ngoại đạo”. Ngài thường bị các giáo phái ấy công kích, tranh biện. Và Phật giáo sở dĩ được nhân dân sùng bái, phần lớn cũng nhờ Ngài đã thắng được các giáo lý kia một cách rỡ ràng vậy.

Nhưng cừu địch bên trong, tức là những kẻ chính ở trong tăng hội phản đối Ngài, thì có em họ của Ngài, là Đề bà đạt đa đứng đầu chỉ huy.

Theo các sách Phật thìĐề bà đạt đa là một người vô cùng độc hiểm luôn luôn âm mưu khuynh đảo Ngài, phân bè phân đảng để lập một giáo hội khác, cốt phá hoại sự nghiệp của Ngài. Có lắm lúc hắn cố hại đến cả thân mạng và thanh danh của Ngài nữa bằng sự vu cáo Ngài tư tình với một tín nữ.

Nhưng, đối với Ngài, bao giờ những kẻ thù ấy cũng đều được xem là hàng thiện tri thức, giúp rất nhiều trong sự giảng minh Phật pháp. Không có một bậc vĩ nhân nào trên đời tránh khỏi sự ganh ghét của thế nhân, và có sự ganh ghét của thế nhân, bậc vĩ nhân mới thành bậc vĩ nhân. Một nhà văn Tây phương có nói: “Khi một bậc nhân tài xuất thế, người ta nhận ra được nhờ nơi dấu hiệu này: Tất cả bọn ngu đều nổi lên chống báng”. Lời nói tuy có phần quá đáng, nhưng không hẳn là không có lý. Sự có mặt của một kẻ thù luôn luôn tìm đủ mọi phương thế để xoi bói và chỉ trích là một điều rất hay để bắt buộc mình bao giờ cũng phải tìm cách cải tiến hầu đi lần đến chỗ chí thiện chí mỹ. Là vì sự phê phán của cũng kẻ thù ta, giúp ta thấy rõ những sở đoản của ta hơn là những bạn đồng tâm đồng chí. Cho nên thay vì tiêu diệt người thù, khôn ngoan hơn là giữ gìn họ để được nghe những lời chống đối về những sơ hở của mình và kiềm hãm lòng tự tôn tự phụ. Bởi vậy, Phật mới bảo: “Đề bà đạt đa đã giúp cho ta rất nhiều trên con đường hoàn thành giáo pháp! Đề bà đạt đa vẫn là hàng thiện chi thức”.

Cho nên về sau Phật giáo càng bị chống đối bao nhiêu thì lại càng được vượt lên một cách rực rỡ bấy nhiêu, bất cứ ở thời buổi nào trong lịch sử Phật giáo. Đối với hàng tu Phật, người thù phải được xem như người bạn. Hơn nữa, họ như những tảng đá để cho tài đức các bậc chân tu được giũa mài càng thêm sắc nhọn.

***

Tóm lại, như trước đây có nói: Cuộc đời Phật Thích Ca có thể gọi là cuộc đời điển hình của những kẻ đi tìm giải thoát. Hơn nữa, có minh chứng một cách linh động hùng hồn tất cả giáo lý của Ngài.

Phật là bậc: ĐẠI HÙNG, ĐẠI LỰC, ĐẠI BI. Đại Hùng trong việc dám dứt bỏ ngôi vị cao sang tột bậc, cả những quyến rũ xác thịt để đi tìm con đường giải thoát! Đại lực trong việc không ỷ lại vào bất cứ một thế lực nào, một bậc chân sư nào để cầu chỉ dẫn, mà tự lực đi tìm giải thoát. Đại Bi là suốt đời chỉ cầu giải thoát đau khổ cho toàn thể nhân loại, cho đến hơi thở cuối cùng với một tâm hồn đại lượng vô biên đối với tất cả chúng sinh khắp giới.

(Theo Phật học tinh hoa, Thu Giang – Nguyễn Duy Cần)

Có thể bạn quan tâm tới các bài viết liên quan:

1. Cuộc đời Khổng Tử

2. Học trò của Khổng Tử

3. Cuộc đời Lão Tử

4. Lão Tử, Khổng Tử và Phật Thích Ca – Câu chuyện của ba vị thánh nhân sinh cùng thời đại

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *