Diễn văn Gettysburg là diễn từ nổi tiếng nhất của Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln, và là một trong những bài diễn văn được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Được đọc tại Lễ Cung hiến Nghĩa trang Chiến sĩ Quốc gia ở Gettysburg, tiểu bang Pennsylvania ngày 19 tháng 11 năm 1863, trong thời Nội chiến Mỹ, bốn tháng rưỡi sau khi xảy ra mặt trận Gettysburg đẫm máu trong đó quân đội Liên bang giành chiến thắng vẻ vang.
Bài diễn văn được viết lách công phu của Lincoln, lúc ấy chỉ được xem là phần phụ trong buổi lễ, nhưng cuối cùng đã được nhìn nhận là một trong những bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử Mỹ Quốc. Trong bài diễn văn chưa tới 300 từ và dài từ hai đến ba phút này, Lincoln đã viện dẫn những nguyên tắc về bình đẳng được tuyên cáo bởi bả Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ, và khẳng định rằng cuộc Nội chiến là một sự đấu tranh không chỉ cho Liên bang mà để “sản sinh một nền tự do mới”, sẽ mang đến cho mọi công dân một sự bình đẳng thật.
Bài diễn văn này trở nên một trong những văn kiện hay nhất bằng tiếng Anh trong suốt bề dày lịch sử nhân loại. Bắt đầu với câu nói nay đã trở thành khuôn mẫu “Four score and seven years ago,” (Tám mươi bảy năm trước), Lincoln đề cập đến những diễn biến trong cuộc Cách mạng Mỹ, và miêu tả buổi lễ tại Gettysburg là một cơ hội không chỉ để cung hiến nghĩa trang, nhưng cũng để hiến dâng mạng sống cho cuộc đấu tranh nhằm bảo đảm rằng “chính quyền của dân, cho dân, vì dân sẽ không lụi tàn khỏi mặt đất.”
Dưới đây là toàn văn bài diễn văn Gettysburg của tổng thống Abraham Lincoln
Tám mươi bảy năm về trước, ông cha chúng ta đã khai sinh ra trên lục địa này một quốc gia mới, vốn được thai nghén trong tự do, và hiến dâng cho lý tưởng được đề ra, rằng tất cả mọi người được tạo hóa sinh ra đều bình đẳng.
Giờ đây chúng ta bị lâm vào một cuộc nội chiến lớn, thử thách xem quốc gia này, hay bất cứ quốc gia nào được thai nghén và sống hiến dâng như thế, có thể trường tồn được không.
Chúng ta đang gặp nhau trên một chiến trường lớn của cuộc chiến này. Chúng ta đến để hiến dâng một phần đất nhỏ của chiến trường này làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người đã để lại mạng sống của mình tại đây, để cho quốc gia này được sống.
Thật là phù hợp và chính đáng cho việc làm này của chúng ta.
Tuy nhiên, theo một nghĩa rộng hơn, chúng ta không thể hiến dâng, không thể tồn phong, không thể thánh hóa mảnh đất này.
Chính những con người dũng cảm đã chiến đấu tại đây, dù còn sống hay đã chết, đã làm nó trở nên thiêng liêng, vượt xa khả năng kém cỏi của chúng ta để thêm hay bớt đi điều gì cho nó. Thế giới sẽ ít chú ý, hay nhớ thật lâu những gì chúng ta nói hôm nay, nhưng sẽ không bao giờ quên điều gì những con người ấy đã làm ở đây.
Chính chúng ta, những người còn sống, mới phải hiến dâng mình cho công việc dở dang mà những người chiến đấu ở đây đã tiến hành một cách cao quý.
Chính chúng ta mới là những người phải hiến dâng mình cho nhiệm vụ lớn lao ở trước mặt – rằng từ những người chết được vinh danh này, chúng ta sẽ nhận lấy sự tận tụy nhiều hơn cho sự nghiệp mà họ đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng – rằng chúng ta ở đây sẽ có quyết tâm cao để cho những người đã ngã xuống sẽ không hy sinh một cách phí hoài – rằng quốc gia này, dưới ơn trên của Chúa, sẽ chứng kiến một cuộc sinh nở mới của tự do – và rằng chính quyền của dân do dân và vì dân sẽ mãi trường tồn.
(Sưu tầm)