Linh dược trị khổ đau

(Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Trong mỗi chúng ta đều có hạt giống của tài năng, của tình thương và của hạnh phúc. Nếu các hạt giống ấy được nuôi dưỡng, được tưới tẩm hằng ngày thì không những ta có được hạnh phúc mà còn mang lại hạnh phúc cho người khác. Tuy vậy, ta nên biết bên cạnh những hạnh phúc ta vẫn còn có những khó khăn, những khổ đau trong thân tâm. Ta cần có thời gian để nhìn lại chúng, để gọi tên chúng và để công nhận sự có mặt của chúng. Ta không được đè nén hay trốn chạy chúng. Nỗi khổ niềm đau ấy có thể là do cha mẹ, tổ tiên của ta trao truyền lại. Nếu gọi được tên của những nỗi khổ niềm đau, chúng ta sẽ cảm thấy rất khỏe. Sở dĩ chúng ta còn khổ bởi chúng ta chưa chịu công nhận những nỗi khổ niềm đau của mình. Có công nhận chúng thì mới có cơ hội tính đến chuyện chuyển hóa chúng. Đối với những người thương của ta, những người sống xung quanh ta, ta cũng cần quán chiếu để thấy được những khó khăn, những yếu kém và những khổ đau của họ. Bởi vì khó khăn của họ có ảnh hưởng đến hạnh phúc của chính chúng ta. Thật vậy, nhiều người đã không biết cách xử lý những khổ đau của chính họ nên không những họ tự gây khổ đau cho mình mà còn làm khổ người khác. Chúng ta phải thấy được những người ấy rất đáng thương vì họ cũng chỉ là nạn nhân của những tập khí xấu được trao truyền từ ông bà tổ tiên qua nhiều thế hệ. Nếu thấy được nguyên nhân và gốc rễ của những khó khăn nơi người kia thì ta sẽ chấp nhận được họ mà không gây áp lực, không đòi hỏi sự thay đổi nơi họ. Ngược lại ta còn có thể giúp họ chuyển hóa những yếu kém ấy. Sự chấp nhận này được thể hiện bằng chất liệu từ bi qua cách nói, cách nhìn của ta đối với người ấy. Chính sự chấp nhận đó mới có khả năng mang lại sự thay đổi nơi chính ta và nơi người khác.

Tuy nhiên, muốn giúp được người thì trước tiên ta cần làm hòa, cần chấp nhận những khổ đau và yếu kém của chính bản thân mình. Ta có thể viết một lá thư chia sẻ những nỗi khổ niềm đau của ta với người kia. Trong thư cần nêu được nguyên nhân nào đã đưa đến những khổ đau nơi ta. Rồi ta giúp người kia quán chiếu những khổ đau của chính họ. Những bác sĩ tâm lý trị liệu có nhiệm vụ giúp đỡ các bệnh nhân thấy được nguyên nhân dẫn đến khổ đau. Tuy nhiên, bác sĩ tâm lý trị liệu cũng phải hiểu được nỗi khổ niềm đau của chính họ, phải biết được gốc rễ đã đưa đến những nỗi khổ niềm đau ấy. Tóm lại, cả hai, bệnh nhân và bác sĩ, đều phải làm việc. Họ phải thực tập như một Phật tử là công nhận những khổ đau họ đang có. Có chấp nhận sự có mặt của những khổ đau ấy thì họ mới có cơ hội tìm đến được gốc rễ của những khổ đau ấy, đó là tập đế. Khi biết được nguyên nhân của những khổ đau, ta sẽ có con đường để chuyển hóa, để trị liệu chúng, đó là đạo đế. Bác sĩ y khoa cũng nên thực tập theo phương pháp Tứ diệu đế vì Tứ diệu đế là linh dược trị khổ đau. Khi nhìn sâu vào những khổ đau, chúng ta sẽ thấy được gốc rễ của nó. Đó chính là chánh kiến. Với chánh kiến, ta sẽ không còn oán trời trách đất nữa mỗi khi gặp khổ đau. Chánh kiến ấy trước hết là cái thấy về Bốn sự thật. Nếu quán chiếu sâu sắc ta sẽ thấy được tính tương tức giữa các sự vật, các hiện tượng, đó cũng là chánh kiến. Cụ thể, ta thấy được hạnh phúc và khổ đau có tính tương tức, khổ đau và hạnh phúc nương vào nhau mà có, không có hạnh phúc thì không thể có khổ đau và ngược lại. Rõ ràng, khổ đau đóng một vai trò  quan trọng trong việc xây dựng hạnh phúc như bùn nuôi sen tươi vậy.        

Thấy được điều này, cách hành xử của ta cũng sẽ thay đổi theo. Một người không biết khổ đau thì sẽ không biết hạnh phúc là gì. Có trải qua khổ đau, ta mới có được sự hiểu biết và thương yêu. Hiểu biết và thương yêu làm ra chất liệu của hạnh phúc chân thật. Người nào không biết hiểu, không biết thương thì không thể có được hạnh phúc. Nếu không sợ hãi mỗi khổ đau mà can đảm ôm lấy nó, nhìn sâu vào nó, ta sẽ tìm ra được hạnh phúc. Đây gọi là cái nhìn bất nhị, cái nhìn tương tức. Tính bất nhị có mặt trong các hiện tượng như: trái và phải, thiện và ác, tốt và xấu. Nhìn vào cái này ta sẽ thấy được cái kia, và nhìn vào cái kia ta sẽ thấy được cái này. Để có những cái thấy đúng là cả một quá trình tu tập. Nếu có được cái thấy này, ta sẽ vượt thắng được cái nhìn nhị nguyên giữa khổ đau và hạnh phúc, tức là cho rằng khổ đau và hạnh phúc là hai cái khác nhau. Ta không còn ý niệm trốn chạy khổ đau để đi tìm hạnh phúc nữa. Mình có thể tìm hạnh phúc ngay trong khổ đau.

Nguồn: https://langmai.org

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *