Bài 3: Khi thế gian không còn đủ chỗ cho một người đi bộ im lặng

Khi một người chọn đi bộ suốt hàng ngàn cây số, không tiền bạc, không danh vọng, không tổ chức bảo trợ, không truyền bá giáo lý, không mưu cầu tín đồ – chỉ để thực hành 13 hạnh đầu đà của một người tu khổ hạnh, thì người ấy lẽ ra phải được nhìn bằng đôi mắt cảm phục, nếu không thể cùng chia sẻ con đường.

Nhưng không. Đời vẫn vậy. Vẫn có những lá đơn, những lời tố cáo, những ánh mắt nghi kỵ, thậm chí là sự can thiệp hành chính, tất cả nhắm vào sư Minh Tuệ – một người đã và đang lặng lẽ đi bộ từ Bắc vào Nam, vượt qua biên giới quốc gia để hành hương đến nơi từng in dấu chân Đức Phật.

Khi một người không thuộc về đâu cả:

Sư Minh Tuệ không thuộc tổ chức Phật giáo nào. Không là tăng sĩ chính quy. Không nhận là đệ tử ai, cũng không có đệ tử. Không ở chùa, không giữ tài sản, không nhận tiền, không tiếp xúc quyền lực, không truyền đạo, không vận động từ thiện.

Sư chỉ là “một công dân” – theo đúng nghĩa hiến định – đang chọn cách sống riêng cho mình, không gây hại, không vi phạm pháp luật, không xâm phạm tự do của ai. Vậy mà, điều gì khiến người ta không để sư yên?

Trong một thế giới nơi tôn giáo đã dần trở thành cấu trúc hành chính, nơi niềm tin bị ràng buộc vào giấy phép, chức vụ và ngân quỹ, thì một người như sư Minh Tuệ – sống bên lề, vượt khỏi cơ chế kiểm soát – là một sự khó chịu. Không phải vì sư gây nguy hiểm, mà vì sự hiện diện của sư làm người ta không thể giả vờ là mình đang tu.

Sự hiện diện ấy giống như ánh sáng rọi vào bụi bặm. Nó làm lộ ra những điều người ta muốn giấu. Khi sư nói “con không thuộc chùa nào, con không mang họ Thích, con chỉ là Minh Tuệ”, đó không chỉ là một lời giới thiệu – mà là một lời khước từ cái danh vọng mà nhiều người tu ngày nay đang đánh đổi cả đời để có.

Xã hội hiện đại có thể chấp nhận những kẻ nổi loạn, những nghệ sĩ lập dị, thậm chí là những doanh nhân phi đạo đức – nhưng khó chấp nhận một người từ bỏ tất cả mà vẫn sống được.

Vì điều đó đập tan ảo tưởng rằng “phải có tiền mới sống được”, “phải có tổ chức mới tồn tại”, “phải có địa vị mới được lắng nghe”. Một người như sư Minh Tuệ là nguy hiểm, vì sự tồn tại của sư là phản chứng cho toàn bộ hệ giá trị mà xã hội này đang tôn thờ.

Sư không nhận một đồng bố thí, không đăng clip câu view, không kêu gọi đóng góp – vậy mà mỗi ngày vẫn có hàng trăm người lặng lẽ theo sau, không vì thuyết pháp mà chỉ vì muốn đi gần một người đang sống thật. Họ vu cáo thậm chí là viết thư phản ảnh lên những nơi Đoàn bộ hành qua, rằng sư không thuộc tăng phái nào…

Từ bi không phải là im lặng trước điều ác:

Dù sư và đoàn hành hương không xem những vu cáo là phiền toái, mà là “bài học để tu”, chúng ta – những người đứng ngoài – không nên im lặng. Vì nếu một xã hội không bảo vệ được người như sư Minh Tuệ, thì đó là thất bại đạo lý tập thể.

Thế giới cần nhiều người như sư. Không phải để noi theo, mà để làm gương soi. Không phải để thuyết phục, mà để nhắc nhở. Rằng trong thời đại đầy tranh đoạt và giả trá, vẫn còn có người chọn đi bộ – im lặng – đi về phía mặt trời, mà không cần ai chứng nhận cho sự thật của chính mình.

(Nguồn: Facebook nhà báo Lê Thọ Bình)

Bạn có thể chia sẻ bài viết qua:

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *