Luận về “Khí” trong cơ thể – Bs Trần Quang Khang

Khí có vai trò rất quan trọng trong đời sống con người. Khí cùng với Tinh – Huyết – Tân dịch và Thần là gốc của sự sống. Y học cổ truyền coi tinh là vật chất cơ bản cùng với huyết, tân dịch nuôi dưỡng con người. Khí là vật chất tạo nên động lực thúc đẩy hoạt động của các tạng, phủ. Thần là biểu hiện cụ thể của sự sống. Tinh – Khí – Thần hoà quyện với nhau trong một cơ thể sống, và khí có mặt khắp nơi để thúc đẩy mọi hoạt động chức năng của cơ thể, khí cũng tham gia vào việc duy trì sự sống, hàng ngày những hoạt động tâm lý (thất tình), những yếu tố thiên nhiên (lục dâm) đều có thể làm khí rối loạn sinh bệnh. Vì vậy trăm bệnh có thể do khí sinh ra, việc điều khí để hòa huyết có vai trò rất quan trọng trong chữa bệnh, phòng bệnh.

Vậy khí là gì? Khí là vật chất từ thức ăn, khí trời. Khí là động lực thúc đẩy công năng hoạt động của tạng phủ. Khí chỉ vật chất, khí là tinh khí của ngũ cốc, tuyên phát ở thượng tiêu như sương mù để nuôi dưỡng da làm mượt lông, làm đẫy đà thân thể, đây là khí nuôi dưỡng bảo vệ cơ thể có nguồn gốc từ thức ăn đồ uống. Khí từ phế, theo hầu họng, khi thở ra thì đi ra, khi hít vào thì đi vào, đó là khí hô hấp, có nguồn gốc từ khí trời, có tác dụng thúc đẩy hoạt động chức năng.

Khí là động lực thúc đẩy công năng tạng phủ, cơ quan. Đó là khí tiên thiên được cha mẹ truyền cho, gọi là nguyên khí, gồm có khí của nguyên âm và khí của nguyên dương. Song khí này được khí hậu thiên nuôi dưỡng, hai khí này kết hợp với nhau đảm bảo hoạt động chức năng của cơ thể sau khi lọt lòng mẹ, cũng có khi gọi khí kết hợp này là chân khí, có quan điểm gọi vệ khí là chân khí.

Theo Y học cổ truyền có những loại khí sau:

Nguyên khí: Bao gồm khí nguyên âm và khí nguyên dương bẩm thụ ở tiên thiên. Nguyên khí được tàng trữ ở thận, nhờ đường tam tiêu mà đi khắp nơi thúc đẩy hoạt động của ngũ tạng lục phủ và là nguồn gốc sự sinh hóa của cơ thể. Do nguyên khí đầy đủ tạng phủ sẽ mạnh, người sẽ ít bệnh tật và ngược lại.

– Tông khí: Là dạng không khí tự nhiên được hít vào, kết hợp với khí của tinh vi thủy cốc do tỳ vị tiêu hóa mà thành, được hình thành ở phế và tích tụ ở ngực, nó có tác dụng giúp phế hô hấp, giúp hành dưỡng huyết toàn thân.

– Dinh khí: Do tinh khí của thủy cốc sinh ra. Thiên “Dinh vệ tinh hội luận” sách Linh khu viết: “Cốc nhập ở vị chuyển vào phế, ngũ tạng lục phủ hấp thu. Thanh là dinh, dinh đi trong mạch, di chuyển không ngừng”. Sau khi vào mạch tạo thành một bộ phận của huyết. Cho nên công năng của nó, ngoài sinh huyết, còn có tác dụng dinh dưỡng toàn thân.

– Vệ khí: Là một bộ phận của dương khí, sinh ra ở thủy cốc. Nguồn gốc ở tỳ vị, xuất phát ở thượng tiêu, lưu hành ở ngoài mạch. Tính chất thò mạnh, lưu hành mau, ở ngoài phân bố đi toàn thân, bên trong thì vào tạng phủ, có tác dụng làm ấm tạng phủ, bên ngoài đi ra cơ biểu, có tác dụng đóng mở lỗ chân lông do đó bảo vệ được cơ thể kháng ngoại tà.

Ngoài ra còn khí của các tạng phủ, khí của ngũ tạng bẩm thụ ở tiên thiên được hậu thiên nuôi dưỡng thúc đẩy công năng của mỗi tạng, nên tạng khí tốt biểu hiện ra bên ngoài. Phế khí hoà biết rõ ngũ mùi, can khí hoà biết rõ ngũ sắc, thận khí hoà phân biệt rõ ngũ âm, tâm khí hoà biết được ngũ vị, tì khí hoà biết được ngũ cốc.

Nếu khí của tạng hư, suy thì chức năng của tạng cũng thể hiện ra bên ngoài mà biết được. Chính khí của tạng theo quy luật tự nhiên suy giảm theo thời gian, như tuổi 50 can khí suy, thị lực giảm. Tuổi 60 tâm khí bắt đầu suy, khí huyết vận hành kém thông lợi nên thích ngồi. Tuổi 70 tì khí suy, da khô không nhuận. Tuổi 80 phế khí bắt đầu suy, lười vận động, phách lực yếu dễ nói nhầm. Tuổi 90 thận khí khô kiệt, các tạng can tam tì phế dần hư rỗng. Tuổi 100 ngũ tạng đều hư rỗng và chết.

Trong cơ thể người khí hoạt động ở các tạng phủ, vinh nhuận ra theo đường kinh mạch nên có kinh khí, mạch khí. Con người sinh ra là kết quả của khí tụ, “khí tụ thì sống, khí tán thì chết”. Khí dương (thanh) thì thăng, khí âm (trọc) thì giáng. Trong các tạng phủ hoạt động của khí không hoàn toàn giống nhau do chức năng của tạng phủ đó tạo nên. Có thể tóm lại: vị khí, tâm khí giáng nhiều thăng ít, tì khí, thận khí thăng nhiều giáng ít, phế khí tuyên phát túc giáng, can khí thăng tán, dinh khí ở kinh âm thì thăng ở kinh dương thì giáng, vệ khí đi ngoài đường kinh song dựa vào đường kinh ban ngày theo kinh dương ban đêm theo kinh âm, vệ khí gốc tại hạ tiêu (thận) nuôi dưỡng do trung tiêu (tì) khai phát tại thượng tiêu (phế).

Khí và huyết quan hệ mật thiết, nếu không có huyết chở đi thì khí nổi bồng bềnh không thể phát huy tác dụng, không thể đến được chỗ cần thiết để thúc đẩy hoạt động chức năng. Huyết tuần hoàn được nhờ khí, tâm khí đẩy huyết vào mạch, mạch khí (kinh khí) điều hoà huyết mạch, phế khí điều chỉnh huyết, tì khí giữ huyết. Nên huyết là mẹ của khí, khí là soái của huyết, khí bị bệnh luỵ huyết, huyết bệnh luỵ khí là vậy, khí hư huyết hư, khí trệ huyết ứ, huyết ứ gây khí trệ.

Tóm lại chữa bệnh chữa từ khí, phòng bệnh cũng phòng từ khí và luyện tập thân thể lấy luyện khí làm đầu bên cạnh ẩm thực điều độ và tiết dục. Từ xa xưa người ta đã biết rằng có một năng lực nội tại giúp con người khỏe mạnh và tự chữa lành bệnh tật trong cơ thể. Năng lực đó là khí. Theo học thuyết âm dương con người là một tiểu vũ trụ, sự sống và sức khỏe có được khi khí lưu thông dễ dàng trong kỳ kinh bát mạch của cơ thể đồng thời hòa nhập được với khí của vũ trụ. Hệ kinh mạch bị tắc bất kỳ ở nơi đâu là bệnh lý sẽ xuất hiện ở đó. Kinh mạch không bị tắc con người sẽ được khỏe mạnh và trường thọ.

Bs Trần Quang Khang

Bài viết cùng tác giả bạn có thể quan tâm:

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *