Nguyễn Bính
Những cuộc chia lìa khởi tự đây,
Cây đàn sum họp đứt từng dây.
Những đời phiêu bạt, thân đơn chiếc,
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày…
Có lần tôi thấy hai cô bé,
Sát má vào nhau khóc sụt sùi.
Hai bóng chung lưng thành một bóng,
“- Đường về nhà chị chắc xa xôi?”
Có lần tôi thấy một người yêu,
Tiễn một người yêu một buổi chiều,
Ở một ga nào xa vắng lắm!
Họ cầm tay họ, bóng xiêu xiêu.
Hai chàng tôi thấy tiễn chân nhau,
Kẻ ở sân toa, kẻ dưới tàu,
Họ giục nhau về ba bốn bận,
Bóng nhoà trong bóng tối từ lâu.
Có lần tôi thấy vợ chồng ai,
Thèn thẹn đưa nhau, bóng chạy dài,
Chị mở khăn giầu, anh thắt lại:
“- Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”
Có lần tôi thấy một bà già,
Đưa tiễn con đi trấn ải xa.
Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng,
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga.
Có lần tôi thấy một người đi,
Chẳng biết vì đâu, nghĩ ngợi gì!
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ,
Một mình làm cả cuộc phân ly.
Những chiếc khăn mầu thổn thức bay,
Những bàn tay vẫy những bàn tay,
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?
*
Tôi đã từng chờ những chuyến xe,
Đã từng đưa đón kẻ đi về.
Sao nhà ga ấy, sân ga ấy,
Chỉ để cho lòng dấu biệt ly?
Hà Nội, 1937
Nguồn: https://www.thiviet
P/s:
Vậy mà đã hơn 20 năm, hôm nay tình cờ đọc lại “Những bóng người trên sân ga” của cụ Nguyễn Bính mà thấy lòng bồi hồi xao xuyến và những ký ức tuổi thơ cũng theo đó mà ùa về.
Hình ảnh người hàng xóm luống tuổi với mái tóc hoa râm, tay cầm điếu thuốc rít một hơi thật dài, rồi đăm chiêu nhìn theo làn khói. Sau khi nhấp một ngụm trà, ông bắt đầu đọc: “Những cuộc chia lìa khởi tự đây…”. Cách đây hơn 20 năm, đó là lần đầu tiên mình nhận thấy cái khoảng sân ga nho nhỏ và những chuyến tàu đến rồi đi trong tiếng còi inh ỏi qua cửa nhà lại nên thơ đến như vậy.
Nghe mẹ kể, ngày trước cuộc sống khó khăn lắm, bố thì đi làm xa, nhà chỉ có ba mẹ con. Để có thêm thu nhập, mẹ phải làm thêm rất nhiều nghề. Nhớ những ngày đông, hai chị em một đứa lên 3, một đứa lên 4, lẽo đẽo theo chân mẹ quẩy gánh bún riêu, rồi ngồi ở một góc sân ga bán cho khách chờ tàu. Sau này, Khi bố chuyển về làm ở ga gần nhà, những ngày hè, hai chị em lại cùng bố lên ga để đón những chuyến tàu… Cứ như thế, sân ga và những chuyến tàu đã làm nên tuổi thơ của đám trẻ phố đường tàu chúng mình.
Quả thực, dù có cả tuổi thơ gắn bó với sân ga và những chuyến tàu, nhưng chưa bao giờ mình có cảm nhận về “những bóng người trên sân ga” như cụ Nguyễn Bính. Nói như vậy để thấy rằng, chỉ có con mắt quan sát đầy tinh tế (có lần tôi thấy…) và một tâm hồn thi sĩ đậm tình người (hiểu và cảm thương trước những nỗi khổ của con người) mới có thể cảm nhận và viết nên những dòng thơ gợi cảm, gợi hồn như vậy.
Một lần nữa đọc “Những bóng người trên sân ga”, mình lại có thêm một lần để nhìn lại và rồi để hiểu, để thương cho những thân phận người, mà ở đó có hình ảnh của bố, của mẹ, của chị và … của chính mình./.
Hưng Hòa
Bài viết bạn có thể quan tâm:
1. “Lòng mẹ” – Bài thơ đặc sắc của Nguyễn Bính.
2. Bài thơ “Nhàn” của Hưng Hòa
3. Hãy sống “Khát khao, dại khờ” để có một cuộc đời “Không hoài, không phí” – Hưng Hòa