Tánh nghe

Trong kinh Lăng Nghiêm, Bồ tát Đại Thế Chí tu niệm Phật tam muội, ngài nói rằng: “Cũng giống như người mẹ luôn nhớ con mà con không nhớ mẹ thì làm sao gặp nhau được. Còn mẹ nhớ con mà con cũng nhớ mẹ thì chắc chắn mẹ con sẽ gặp nhau. ” Cũng vậy, Phật luôn nhớ chúng sanh mà chúng sanh không nhớ tới Phật thì làm sao gặp Phật. Giờ đây luôn nhớ Phật mà đến chỗ không còn niệm khác xen vào, thì lúc đó là Phật hiện tiền. Như vậy là mình và Phật gặp nhau, đó là chỗ rất thiết thực.

Còn ngài Quán Thế Âm tu phản văn văn tự tánh là xoay cái nghe nghe lại nơi tự tánh, tức là thay vì nghe tiếng bên ngoài thì bây giờ quên cái tiếng đó, nghe trở lại tánh nghe hằng hiện hữu nơi mình không gián đoạn, đó là chỗ chơn thật, là con đường chứng viên thông của ngài.

Có một lần Tể tướng Đỗ Hồng Tiệm đến luận đạo với Thiền sư Vô Trụ. Đang luận đạo thì có con quạ đậu trên cành cây trước sân kêu, Tể tướng mới hỏi Thiền sư Vô Trụ:

– Thầy có nghe chăng?

Thiền sư đáp:

– Nghe !

Một lúc sau con quạ bay đi, ông hỏi:

– Giờ thầy có nghe không?

Thiền sư đáp:

– Cũng nghe.

Ông nói :

– Con quạ đã bay đi rồi tại sao thầy nói nghe?

Ngay đó Thiền sư gọi tất cả đại chúng rồi nói to lên cho tất cả cùng nghe. Sư bảo:

– “Đức Phật ra đời rất khó gặp, chánh pháp rất khó nghe, các ông hãy lắng nghe cho kỹ ! Có tiếng, không tiếng, không dính dáng gì đến tánh nghe. Tánh nghe xưa nay chẳng sanh nên đâu từng có diệt. Khi có tiếng thì thinh trần tự sanh, khi không tiếng thì thinh trần tự diệt, tánh nghe chẳng nhơn nơi tiếng mà có sanh có diệt. Ngộ tánh nghe thì không bị thinh trần chi phối. Cho nên phải biết, tánh nghe vốn không sanh, diệt, đến, đi. ” Ngay đó Tướng quốc làm lễ cảm nhận lời dạy của Sư. Đây nhân tiếng quạ kêu mà đánh thức cho mỗi người thấy rõ: “Tiếng hoặc có hoặc không, có sinh có diệt, tánh nghe thì đâu có theo tiếng mà có hay không. ” Trước khi quạ kêu đã như vậy rồi, đâu đợi quạ kêu mới có nghe. Cũng vậy, trước khi nghe giảng quí vị có nghe không? Vậy thì khi hết giảng quí vị đâu có mất. Thử nhớ trở lại coi sẽ thấy rõ ràng tánh nghe luôn luôn có mặt với mình. Nhớ như vậy là nhớ lại tánh nghe của mình, đó là chỗ Phật muốn chỉ. Cho nên ngài nói Phật ra đời khó gặp, chánh pháp khó nghe, tức là nhấn mạnh cần phải lắng nghe lại tánh nghe mới thấy được Phật pháp mầu nhiệm chỉ nằm trong một chỗ đó thôi. Phật ra đời cũng từ chỗ đó. Chúng ta đa số nghe nói Phật ra đời liền nghĩ đến vườn Lâm Tỳ Ni ở Ấn Độ. Nhưng đó là chỗ lầm lẫn không hay. Vì sao? Vì phải hiểu Phật là gì? Lúc ngài ra đời ở vườn Lâm Tỳ Ni thì chưa có tên. Sau đó vua Tịnh Phạn mới đặt tên là Tất Đạt Đa chứ không phải tên Phật. Phật nghĩa là giác, nên khi Thái tử thành đạo, tức giác ngộ được tánh giác mới gọi là Phật. Cội cây nơi ngài ngồi là cây Tất- bát- la chứ không phải là cây bồ đề. Sau khi Phật thành đạo rồi, để kỷ niệm chỗ Phật thành đạo giác ngộ mới đổi tên cội cây thành cây Bồ-đề, Bồ- đề nghĩa là giác. Rõ ràng, khi thành đạo giác ngộ mới gọi là Phật, mà thành đạo từ đâu? Từ trong tự tánh chứ không phải từ vườn Lâm Tỳ Ni hay dưới gốc cây bồ đề. Như vậy, chỗ này phải sống được, muốn sống được phải nhớ lại.

Một hôm ngài A Nan hỏi ngài Ca Diếp:

– Khi Thế Tôn truyền chánh pháp nhãn tạng cho sư huynh thì ngoài chiếc y Kim lan còn truyền riêng pháp gì nữa không?

Ngài Ca Diếp liền gọi:

– A Nan !

Ngài A Nan : “Dạ”!

Ngài Ca Diếp nói:

– Cây phướn trước chùa ngã.

Ngài A Nan liền lễ tạ.

Đó là truyền riêng cái gì? Cứ lo nghĩ một cái gì đó để truyền riêng thì quên mất chính mình đang hiện hữu, đang có mặt đó. Cái riêng và cái bí mật là ở chỗ đó chứ không có gì khác. Chỗ đó không thể nói hết nên giống như có gì bí mật. Nhưng bí mật chính là ngay chỗ mình đang hiện hữu đó. Ngài Ca Diếp gọi A Nan thì ngay đó liền đáp, nhớ liền chỗ đó, thì “bí mật” liền được “bật mí” chớ gì. Rõ ràng và đơn giản nhưng mà mình tưởng tượng quá nhiều thành không thấy được nó. Như ông cư sĩ Phạm Xung ở viện Viên Thông gặp Thiền sư Mân đang ngồi uống trà. Uống trà xong, ông than rằng: “Bạch thầy, con sắp già rồi, đến tuổi này mà còn rơi vào con đường quan chức cho nên cách việc này hơi xa. ” Ngài Viên Thông liền gọi “Nội hàn !” Ông liền “Dạ !” Ngài bảo “Có xa đâu?” Ngay đó ông liền vui vẻ thấy không có xa. Mình luôn quên mình, tưởng đâu là có cái gì đó cho nên nói là xa, không ngờ nghe gọi liền dạ thì rõ ràng nó đang có mặt đó chứ đâu. Nếu không có mặt thì đâu có biết dạ. Như vậy là ông đã có niềm vui. Niềm vui này là của riêng ông hay ai cũng có? Vậy tại sao mình không có? Tại vì không chịu nhớ lại thôi. Đây là điểm quan trọng. Như vậy nếu mình luôn nghe thinh trần với cái tâm trong sáng, mới mẻ, tinh khôi chưa xen gì trong đó thì bảo đảm nghe cái gì cũng tỏ ngộ được hết và nghe được những điều chưa từng nghe. Còn nghe với cái tâm quá cũ, chứa những cái khuôn trong đầu thì không nghe được những điều vi diệu. Vừa nghe gọi liền dạ, lúc đó tâm không có vấn đề gì thì rõ ràng nó có mặt đó chứ đâu, không có gì khác hết.

Bây giờ trở lại chỗ tu của mình hiện tại. Hoà Thượng dạy biết vọng là sao? Tức là có niệm khởi lên mình liền biết có niệm, niệm qua biết nó qua rồi, tức là phải luôn sống với tánh biết hằng có mặt. Bởi tánh biết hằng có mặt, nó có trước niệm, nên hễ khởi niệm gì liền biết ngay, không cần suy nghĩ cũng biết. Như vậy tánh biết có đồng với niệm hay không? Nếu tánh biết đồng với niệm thì làm sao nó biết được niệm? Nên thấy niệm khởi nhớ lại cái hay biết, đó là giác. Còn hễ theo tướng niệm thì quên mất tánh biết, đó là mê. Cái chỗ phải nhớ thì chúng ta lại quên, cái chỗ phải quên thì lại nhớ. Nhận ra được điều nầy mới thấy chỗ đang tu của mình rất đúng với lời Phật dạy. Chưa nhận được điều nầy thì còn nghi ngờ.

Trích “TU TRONG MỘT CHỮ NHỚ”
Thượng toạ Thích Thông Phương

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *