Thư Gia Cát Thừa tướng dạy con trai

“Giới tử thư” gửi con trai Gia Cát Kiều

Nguyên văn

Phù quân tử chi hạnh, tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức, phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn.

Phù học tu tĩnh dã, tài tu học dã, phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học.

Dâm mạn tắc bất năng lệ tinh, hiểm táo tắc bất năng trị tính.

Niên dữ thời trì, ý dữ nhật khứ, toại thành khô lạc, đa bất tiếp thế, bi thủ cùng lưu, tương phục hà cập?

Bản dịch của Nam Phương

“Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức.

Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi.

Học cần tâm tĩnh, tài cần phải học.

Không học, tài chẳng mở mang, không chí, chẳng thành nghiệp học.

Biếng nhác ắt chẳng thể tinh thông, nóng nảy sao tu thành tâm tính.

Tháng ngày vùn vụt, ý chí qua đi, thân đã già nua, chưa hiểu sự đời.

Nhà rách sầu bi, hối thì đã muộn”.

Nội dung bức thư Gia Cát thừa tướng gửi con trai chỉ vỏn vẹn mấy câu nhưng là lời răn dạy cải biến được vận mệnh của nhiều người. Thành thân, lập nghiệp ở thời nào cũng có những tiêu chuẩn chung nhất đều nằm ở hai chữ “đức” và “tài”.

***

Gia Cát Lượng (181-234), tự Khổng Minh hiệu Ngọa Long, là Thừa tướng, công thần khai quốc, nhà chính trị, nhà ngoại giao, chỉ huy quân sự, nhà giáo dục, và cũng là một nhà phát minh kỹ thuật nổi tiếng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc.

Ông đã giúp Lưu Bị gây dựng nên nhà Thục Hán, hình thành thế chân vạc Tam quốc, liên minh Thục – Ngô chống Ngụy. Ông được cho là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của ông, và được so sánh với một chiến lược gia tài ba khác của Trung Quốc là Tôn Tử. 

Không chỉ có tài năng hơn người, ông còn nổi tiếng với tấm lòng tận trung báo quốc, “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”. Con trai và cháu nội của Gia Cát Lượng cũng kế thừa chí nguyện bảo vệ nhà Hán của ông và đã anh dũng tử trận khi nhà Thục Hán sắp sụp đổ, tạo nên tấm gương “Trung nghĩa truyền gia thế vô song, Ba đời trung liệt chiếu sử xanh” nổi tiếng lịch sử của nhà Gia Cát.

Ông cũng là vị quan văn duy nhất thời Tam Quốc được thờ tại Đế vương miếu (được nhà Minh, nhà Thanh xây dựng, trong đó có thờ 41 vị công thần được đánh giá là tài năng và tận trung nhất qua các triều đại). Ông khi còn sống có tước hiệu Vũ hương hầu, sau khi mất có thụy hiệu là Trung Vũ Hầu, do đó hậu thế thường hay gọi ông là Vũ hầu hay Gia Cát Vũ hầu để tỏ lòng tôn kính./.

Tổng hợp

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *