365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 1 tháng 6: Bậc trí tuệ đã vào đạo

Cưu Ma La Thập (Đông Tấn) (344 – 413)

Người có thể nhẫn nhục mới đáng gọi là bậc đại nhân có sức mạnh. Nếu chẳng thể hoan hỷ nhận lời mắng chửi, phỉ báng như uống nước cam lộ, thì chẳng thể gọi là bậc trí tuệ đã vào đạo.

Chế ngự tâm được rồi thì việc gì cũng thành tựu.

Lấy sự hổ thẹn làm trang phục, đó là thứ đẹp nhất để làm trang nghiêm bản thân.

Lòng sân hận còn đáng sợ hơn cả lửa dữ, cho nên chúng ta phải thường đề phòng, không để chúng xâm nhập vào tâm hồn. Giặc cướp công đức không gì hơn bằng tâm nóng giận.

Nếu chuyên cần tinh tiến thì không việc gì là khó.

Bởi vậy, mọi người nên chuyên cần tinh tiến, giống như dòng nước nhỏ chảy mãi cũng làm mòn đá.

Người giữ giới trong sạch, ắt có được các pháp lành. Người không giữ giới trong sạch thì các công đức lành chẳng thể sinh. Nên phải biết rằng, giới luật là chỗ an trụ bậc nhất sinh ra các công đức.

Khi ăn uống nên xem thực phẩm như thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, bởi thức ăn đưa vào thân thể cũng chỉ để khỏi đói khát mà thôi.

Như con ong hút mật, chỉ lấy nhuỵ hoa mà chẳng làm tổn hại hương sắc. Chúng ta khi nhận sự cúng dường, cũng nên nhận đủ để trừ đói khát, chớ tham cầu nhiều khiến tổn hại đến tâm lành thiện của người. Như kẻ khôn ngoan biết lượng sức con bò kéo, chẳng ép chuyên chở quá nặng khiến nó phải kiệt sức.

— Trích từ “Phật di giáo kinh”

*

Cưu-ma-la-thập (鳩摩羅什; dịch nghĩa là Đồng Thọ; sinh năm 344 mất năm 413) là một dịch giả Phật học nổi tiếng, chuyên dịch kinh sách từ văn hệ tiếng Phạn ra tiếng Hán. Cưu-ma-la-thập xuất phát từ một gia đình quý tộc tại Quy Từ (Kucha), thuộc xứ Tân Cương ngày nay.

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *