Nghệ thuật sống
Hạ Diễn Tôn (1886 – 1946)
Với Đại sư Hoàng Nhất thế gian không những tốt đẹp, mà phải nói là hết sức tuyệt mỹ. Nhà lá xinh xinh, khoang thuyền vừa phải, chiếc giường ấm áp, manh chiếu rách sạch thơm, chiếc khăn tay cũ tinh tươm, bắp cải thảo cũng ngon, củ cải cũng tốt, rau dưa muối hợp vị, chạy bộ thảnh thơi, thứ gì cũng đều có cái hay, cái đẹp riêng của nó, tất cả đều tuyệt vời.
Cảnh sắc vi diệu biết bao! Cảnh giới hạnh phúc trong tôn giáo chúng ta tạm không nhắc đến, còn nếu trong cuộc sống đời thường chúng ta cũng có thể để tâm hồn đạt đến trạng thái như vậy thì chẳng phải gọi là nghệ thuật hóa cuộc sống hay sao?
Người ta nói ông sao phải chịu khổ, tôi lại cho rằng thực ra ông đang hưởng thụ một thứ hạnh phúc an nhiên không ai có. Khi thấy cái cảnh ông vui vẻ dặn dò lúc thái củ cải, tôi thầm nghĩ: Mùi vị thật sự nhất của củ cải e rằng chỉ có một mình ông mới cảm nhận và thưởng thức được một cách trọn vẹn.
Đứng trước mọi sự việc, không bị thành kiến trói buộc, tất cả đều được trả về bản chất vốn có của nó, từ đó quán chiếu, lĩnh hội một cách thực sự, như thế mới là giải thoát, là hưởng thụ niềm an lạc.
Nghệ thuật và tôn giáo vốn có cùng một mục đích. Nếu bị lợi ích hoặc thành kiến trói buộc thì chúng ta chẳng thể thưởng thức hương vị của cuộc sống thường nhật này, đều trở thành những người vô duyên với nghệ thuật. Bởi vì nghệ thuật đích thực không giới hạn trong thơ ca, cũng không giới hạn trong sách vở mà hiện diện ở khắp mọi nơi, vào bất kỳ lúc nào.
— Trích từ “Bình ốc tạp văn”
Bài viết bạn có thể quan tâm: 365 ngày cho cuộc lữ hành- Ngày 9 tháng 1: Điều nào hay? & Bài ca chôn hoa