365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 10 tháng 3: Tâm vương minh; Tuyển Phật trường; Người gỗ, hoa và chim

Tâm vương minh

Phó Đại Sĩ (497 – 569)

Quán tâm Không là vương

Huyền diệu thật khó lường

Không hình cũng không tướng

Thần lực biến muôn phương.

Diệt được vạn đức hạnh

Khiến được thân thể này

Cùng làm tà với chính.

Vì thế nên khuyên nhau

Khéo cẩn thận trước sau

Sát na đừng tạo tác

Lại bị đắm chìm sâu.

Tâm cùng trí thanh tịnh

Như vàng ròng kết tinh

Bảo tàng pháp trí tuệ

Đều ở trong tâm mình.

– Trích từ “Thiện Tuệ đại sĩ ngữ lục”

*

Tuyển Phật trường

Bàng Uẩn (Đường)

Bản dịch 1

Muôn phương cùng hội tụ về

Người người chốn chốn lòng mê dứt trừ

Tuyển Phật trường vốn vô tư

Tâm không vướng bận tâm như hiển bày.

Bản dịch 2

Mười phương tụ hội nơi đây

Văn tu tư tuệ dựng xây nhiệm màu.

Trường thi tuyển Phật chứng mau

Tâm không phiền não cùng nhau đạo thành.

– Trích từ “Viên Ngộ Phật Quả Thiền sư ngữ lục”

*

Người gỗ, hoa và chim

Tự mình mình vốn vô tâm

Trách chi muôn vật xoay vần bên ta

Trâu sắt đâu ngại tiếng la

Sư tử rống hét vang xa sợ gì

Hình nộm ngắm bước chim đi

Ngắm hoa rụng rớt có chi ưu phiền.

Bởi vì bản thể như nhiên

Hoa kia, chim nọ lòng yên chẳng màng

Tâm cảnh soi chiếu rỗng rang

Bồ đề đạo quả nhẹ nhàng bước lên.

– Trích từ “Đại Tuệ Phổ Giác Thiền sư ngữ lục Viên Ngộ Phật Quả Thiền sư”

*

Phó Đại SĩThiện Huệ (zh: 傅翕) (497-569) hay còn gọi là Phó Hấp hay Ngư hành đại sĩ, Phó đại sĩ, Song lâm đại sĩ, Đông dương đại sĩ, Ô thương cư sĩ. Ông là một vị cư sĩ Phật học sống vào thời Lương, có công phu tu hành xuất thế và trình độ Phật học rất uyên thâm, ảnh hưởng rất sâu rộng trong Phật Giáp Đại Thừa tại Trung Quốc. Ông cùng với đại sư Chí Công được xưng tán là hai vị đại sĩ (bồ tát) thời nhà Lương.

Cư sĩ có để lại nhiều tác phẩm Phật học như: Tâm Vương Minh, Đại sĩ Thiện Huệ Ngữ Lục, kệ Hoàn Nguyên….

*

Bàng Cư Sĩ (龐居士 Páng Jūshì) (740–808), còn gọi là Bàng Uẩn Cư SĩBàng Long Uẩn, là cư sĩ Thiền Tông ngộ đạo nổi tiếng thời Đường. Ông là môn đệ của hai vị Thiền sư kiệt xuất đương thời là Thạch Đầu Hi Thiên và Mã Tổ Đạo Nhất, đồng thời ông cũng là bạn với Thiền sư Đan Hà Thiên Nhiên. Ông được xem như là cư sĩ Duy Ma Cật của Trung Quốc và là minh chứng cho việc những người cư sĩ, phật tử bình thường (không phải người xuất gia) nếu có ý chí tu học cũng có thể đạt đạo và sống một cuộc đời giác ngộ.

Những cuộc pháp chiến, đối đáp thiền ngữ với các Thiền sư đương thời và 300 bài kệ Thiền do ông sáng tác đã được ghi chép lại trong quyển Bàng Uẩn Ngữ Lục, đây là một điều khá hiếm vì thông thường các bản ngữ lục chỉ dùng để ghi chép hành trạng, pháp ngữ của các vị Thiền sư nổi tiếng. Các công án Thiền và Thơ Thiền của ông đã gây cảm hứng rất nhiều đến người đời sau.

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *