365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 2 tháng 9: Chuyện cuộc đời – Mạc Ngôn

Chuyện cuộc đời

Mạc Ngôn (1955 -)

Chuyện trên đời tối kỵ nhất là thập toàn thập mỹ. Bạn hãy xem mặt trăng trên bầu trời, một khi tròn đầy thì lập tức sẽ khuyết; quả trên cây một khi chín rồi thì sẽ rơi rụng. Phàm làm việc gì đều phải giữ lại chút khiếm khuyết thì mới có thể tồn tại lâu dài.

Tất cả các việc đều có giới hạn, một khi vượt quá thì tất chịu tổn thất. Đó là triết học cuộc đời, mộc mạc, đơn giản và cũng là quy luật của vạn vật trong tự nhiên. Nghe nói người Ấn Độ vì muốn bắt khỉ nên đã chế tạo một loại lồng gỗ, trong lồng có đặt thức ăn. Lũ khỉ thò tay vào lấy thức ăn thì không rút tay ra được. Nếu muốn rút tay ra thì phải thả thức ăn lại, nhưng lũ khỉ tuyệt đối không chịu buông bỏ thức ăn. Lũ khỉ không có trí tuệ “buông bỏ”.

Con người có trí tuệ “buông bỏ” không? Có người có thể chống lại được sự cám dỗ của tiền bạc nhưng chưa hẳn có thể chống lại sự mê hoặc của nữ sắc; có người có thể chống lại được sự cám dỗ của tiền bạc và nữ sắc nhưng chưa hẳn có thể chống lại được sự hấp dẫn của quyền lực. Con người luôn không thể buông bỏ được một vài thứ, đó chính là nhược điểm và cũng chính là tính phong phú của con người.

Phật Quang Sơn là nơi khiến con người cảm thấy thân thiện gần gũi. Khi bên ngoài vô cùng rét buốt, đặt chân đến đây bạn có thể cảm thấy được sự ấm áp. Khi bên ngoài bụi trần mù mịt và nóng bức, thì đến nơi đây bạn có thể cảm nhận được sự mát mẻ, trong lành.

Đây có lẽ là ngôi nhà chung của chúng ta. Ngôi nhà vốn có của chúng ta là nơi để cho thân thể này nghỉ ngơi, còn ngôi chùa lại chính là nơi để tinh thần của chúng ta được nương tựa. Tìm thấy nơi ổn thỏa tuệ mạng của tinh thần thì quan trọng hơn nhiều việc ổn định thân thể của một con người. Giả như tinh thần của một người có được nơi gửi gắm thì hành vi của người đó có được quy chuẩn, phù hợp với đạo đức.

— Trích từ “Mộng tưởng của nhà văn”

Bài viết bạn có thể quan tâm: 365 ngày cho cuộc lữ hành – Trải nghiệm từ kinh điển Phật giáo và văn học Trung Hoa- Lời tựa của Đại sư Tinh Vân

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *