365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 25 tháng 5: Gửi chúng đệ tử; Giữa trời trăng sáng; Khuyên bảo đồ chúng

Gửi chúng đệ tử

Giám Chân (Đường) (688 – 763)

Sông này núi nọ có khác nhau

Trời đây trăng đó cũng một màu

Gửi lại đôi lời đệ tử Phật

Thiện duyên cùng kết xây đạo màu.

— Trích từ “Tống cao tăng truyện”

*

Giữa trời trăng sáng

Diễn Âm Hoàng Nhất (1880 – 1942)

Quân tử kết giao nhạt như nước lã; theo đuổi đại đạo, tuy xa ngàn dặm nhưng tâm ý tương thông.

Hỏi ta đến nơi đâu để an thân? Ta chỉ biết được chốn ấy bao la bát ngát, khó diễn tả bằng lời;

Hoa xuân khoe sắc thiên nhiên

Vầng trăng tỏa sáng bình yên là nhà.

— Trích từ “Hoàng Nhất Đại sư toàn tập”

*

Khuyên bảo đồ chúng

Từ Hàng (1893 – 1954)

Khuyên hết thảy đồ chúng, phản tỉnh luôn trước tiên;

Suy nghĩ hay hành vi, kiểm điểm công hay tội.

Tự giác được tâm an, nơi đâu cũng thanh nhàn;

Nếu còn người chưa độ, mình chẳng thể bỏ ngang.

Pháp tính vốn Không tịch, nhân quả chẳng mất đi;

Tự làm sẽ tự chịu, chẳng ai thế được gì.

Đạo tràng trăng bóng nước, xây dựng khắp muôn nơi;

Mong rộng kết duyên lành, sớm độ mình độ người.

— Trích từ “Từ Hàng Pháp sư toàn tập”

*

Giám Chân (Kyujitai: 鑑眞, phồn thể: 鑑真, giản thể: 鉴真, phanh âm: jiànzhēn, romaji: ganjin, 688-763) là một nhà sư Trung Quốc theo Nam Sơn tông của giáo phái Luật tông. Sư đến Nhật Bản năm 754 và sáng lập Luật tông (ja. ritsu-shū) nơi đây.

Sư quê ở Dương Châu. Năm 14 tuổi Sư theo cha vào chùa, nhìn tượng Phật cảm động và xin xuất gia. Sư thông Tam tạng, giữ giới nghiêm chỉnh và vì vậy tiếng tăm lừng lẫy. Đến năm 55 tuổi, Sư có ý nguyện đi Nhật Bản vì có hai tăng sĩ người Nhật khẩn thiết mời Sư sang giáo hoá. Môn đệ của Sư ngăn cản vì đường sang Nhật rất nguy hiểm. Sư nghe vậy liền nói: “Đây là việc pháp, tiếc gì tính mệnh, mọi người không đi, một mình ta đi.” Nghe vậy nhiều môn đệ xin đi, tổng cộng có 21 người. Chuyến đi hoằng hóa Nhật Bản đầy gian nan. Năm lần thất bại, lần thứ sáu sau 11 năm mới toại nguyện. Trong suốt hành trình này có tất cả 36 tỉ-khâu chết và chính Sư cũng bị mù hai mắt.

Sư đến Nhật năm 66 tuổi, đem theo rất nhiều kinh sách. Nơi đây, Sư được cả nước Nhật hoan nghênh sùng ngưỡng và được Nhật hoàng phong chức Truyền Đăng Đại Pháp sư. Vì tinh thông y dược nên Sư cũng có cống hiến lớn cho y dược học Nhật Bản. Sư tịch năm 763 sau mười năm truyền bá Luật tông rất thành công tại đây, hưởng thọ 77 tuổi.

*

Hoằng Nhất Đại sư (1880 – 1942) tên thật là Lý Quảng Hầu, hiệu Thúc Đồng. Tổ sư đời thứ 11 của Luật tông; cùng với Hư Vân, Thái Hư, Ấn Quang được tôn xưng là “Tứ đại cao tăng Dân quốc”.

Trước khi xuất gia, ông là một nhạc gia nổi tiếng, đồng thời là một người rất giỏi về thơ văn, từ phú, thư pháp, còn là chuyên gia giáo dục trong lĩnh vực mỹ thuật tạo hình.

Lý Thúc Đồng vốn là giáo viên hạng nhất của trường sư phạm ở tỉnh Chiết Giang. Qua những lần tiếp xúc với Tổ Ấn Quang, ông vô cùng ngưỡng mộ phong thái và đức hạnh của vị cao tăng này. Vì thế, năm 1918, Lý Thúc Đồng đã quyết định vứt bỏ hết phù hoa, danh lợi nơi thế tục, xuất gia tu luyện khi 38 tuổi tại chùa Linh Ẩn, được ban pháp danh Diễn Âm, hiệu Hoằng Nhất.

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *