365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 27 tháng 5: Phấn đấu trong cuộc sống – Ba Kim

Phấn đấu trong cuộc sống

Ba Kim (1904 – 2005)

Phấn đấu chính là cuộc sống, cuộc sống chỉ có tiến lên phía trước.

Tiền bạc không thể tăng thêm cho bạn điều gì, thứ khiến bạn có thể sống tốt hơn chính là lý tưởng.

Lý tưởng chói lọi huy hoàng giống như làn nước trong xanh, tẩy rửa đi bụi trần trong tâm hồn bạn.

Phải làm một người mang lại hơi ấm trong ngày giá rét, mang lại niềm an ủi trong khổ đau.

Tôi là con tằm xuân, ăn lá dâu thì phải nhả tơ, cho dù bị nấu ở trong nồi, chết rồi nhưng tơ vẫn không đứt, vì muốn mang thêm chút ấm áp cho chốn nhân gian.

Thứ chi phối hành động của người chiến sĩ là lòng tin. Anh ta có thể chịu đựng mọi gian khổ, đau đớn để đạt được mục tiêu đã lựa chọn. Người chiến sĩ mãi mãi theo đuổi ánh sáng, anh ấy không nằm dưới bầu trời trong xanh để hưởng thụ ánh nắng mặt trời, mà đốt lên ngọn đuốc trong đêm đen, chiếu sáng con đường để mọi người đi về phía bình minh./.

— Trích từ “Ba Kim toàn tập”

*

Ba Kim (tiếng Trung: 巴金; bính âm: Bā Jīn; 25 tháng 11 năm 1904 tại Thành Đô, Tứ Xuyên – 17 tháng 10 năm 2005 tại Thượng Hải) là một nhà văn, tiểu thuyết gia, dịch giả và người theo chủ nghĩa vô trị người Trung Quốc.

Ba Kim tên thật là Lý Nghiêu Đường, sinh ngày 25 tháng 11 năm 1904 tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Năm 1920 ông ghi danh học tại Trường Ngoại ngữ Thành Đô để học tiếng Anh, đến năm 1923 thì ông chuyển đến Thượng Hải sau đó đến Đại học Đông Nam, Nam Kinh với lý do học tập nhưng chủ yếu là để thoát khỏi ảnh hưởng phong kiến của gia đình.

Năm 1927, ông sang Pháp du học, tại đây ông đã xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay Diệt vong dưới bút danh Ba Kim. Năm 1934, sau khi đọc vở kịch “Lôi vũ”, ông rất khâm phục tài năng sáng tác của Tào Ngu và hai người bắt đầu quen biết nhau từ đó. Ông cũng quen thân với những nhà văn nổi tiếng Băng Tâm và Tiêu Càn. Nhà văn lớn Lỗ Tấn đã ca ngợi Ba Kim là “Một nhà văn có nhiệt tình, có tư tưởng tiến bộ; một trong số ít nhà văn tốt có thể đếm được trên đầu ngón tay”. Trong thời gian này, Ba Kim còn đảm nhiệm chức vụ Tổng biên tập Nhà xuất bản Đời sống văn hoá, làm chủ biên một loạt sách như “Văn quý nguyệt san”, “Văn học tùng san”.

Sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1950 ông giữ chức Phó chủ tịch Liên đoàn Văn học và Nghệ thuật Thượng Hải, ngày 28 tháng 7 cùng năm, con trai Lý Tiểu Đường của ông ra đời. Khoảng thời gian sau đó Ba Kim hăng hái đi sâu vào cuộc sống để sáng tác văn chương, ông đến hầm mỏ, công trường, nhà máy để tìm hiểu đời sống của công nhân và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của họ trong tác phẩm của mình. Đầu những năm 50, ông hai lần đến Triều Tiên và nhiều lần ra nước ngoài giao lưu văn hóa.

Tháng 7 năm 1957, Ba Kim và Cận Dĩ chủ trì ấn phẩm văn học quy mô lớn Thu hoạch đồng thời giữ chức vụ chủ biên. Tháng 8 năm 1960, ông được bầu làm phó chủ tịch Liên đoàn Văn học và Nghệ thuật Trung Quốc. Tháng 8 năm 1966 sau khi bị chỉ trích bởi “Tạo phản phái” thuộc Hiệp hội Nhà văn Thượng Hải, ông bắt đầu cuộc sống lao động khổ sai và bị nhốt vào chuồng bò. Ngày 13 tháng 8 năm 1972, vợ ông Tiêu San qua đời vì bệnh ung thư trực tràng ở tuổi 55.

Khoảng thời gian trước khi xảy ra Cách mạng văn hóa là thời gian Ba Kim sáng tác nhiều nhất, thể loại chủ yếu của ông là tản văn phản ánh sinh động công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa trên đất nước Trung Hoa mới, có thể kể tới như Ngày Tết của Hoa Sa, Chiến sĩ kiên cường, Những ngày đầy vui vẻ, Tân thanh tập, Hữu nghị tập, Bên bờ cầu Hiền Lương.. Trong số này, tác phẩm Bên bờ cầu Hiền Lương là một tập tản văn Ba Kim viết sau chuyến đi thăm Việt Nam, tác phẩm nói lên cảm tình đặc biệt của nhân dân Trung Quốc với cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội của nhân dân Việt Nam. Từ năm 1978 trở đi, Ba Kim bước vào giai đoạn sáng tác mới. Năm 1979 ông sang Pháp và có sự nhận thức về vị trí của văn học đương đại Trung Quốc đối với thế giới. Về nước, ông tích cực đề nghị nhà nước xây thư viện bảo quản những tác phẩm văn học hiện đại Trung Quốc.

Tính đến tháng 3 năm 1983, Ba Kim liên tục 5 lần được bầu làm phó chủ tịch hội nghị chính trị toàn quốc, tại vị trong 22 năm. Vào tháng 5 năm 1984, ông được Tổ chức Văn bút Quốc tế lần thứ 47 tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản vinh danh là một trong “Bảy danh nhân văn hóa trên thế giới”. Tháng 12 cùng năm ông được bầu làm chủ tịch Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc và phục vụ trong 21 năm cho đến khi qua đời do sốt cao và suy hô hấp cấp do nhiễm trùng đường hô hấp.

Ngày 25 tháng 11 năm 2003, Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã trao tặng Ba Kim danh hiệu danh dự “Nhà văn nhân dân”.

(Theo vi.wikipedia)

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *