Vượt khỏi trần lao
Hoàng Bá Hy Vận (Đường) (? – 850)
Vượt thoát trần lao việc phi thường
Đầu dây nắm chặt vững lập trường
Chẳng trải một phen xương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương!
— Trích từ “Uyển lăng lục”
*
Bàn tay vô sự
Tâm như biển lớn rộng thay
Sen kia thanh tịnh ngày ngày trổ hoa
Vô sự ấy đôi tay ta
Từ bi tuyệt diệu Ta Bà dựng xây.
— Trích từ “Bích Nham lục”
*
Lạ kỳ thay
Động Sơn Lương Giới (Đường) (807 – 869)
Lạ kỳ thay! Lạ kỳ thay!
Thiên nhiên thuyết pháp lại hay vô cùng
Tai nghe thấy tiếng lùng bùng
Mắt nhìn thấy rõ tận cùng thế gian.
*
Tìm chi nơi khác
Tìm chi chốn khác người ơi
Đạo tâm vốn sẵn, xa xôi tại lòng
Sáng nay dạo bước thong dong
Bỗng nhiên tao ngộ suối trong mát lành.
Suối kia vốn chẳng ngã danh
Ta đây cũng chẳng mơ thành suối kia
Gặp rồi thời chẳng phân chia
Cùng nhau khế hợp đạo kia chóng thành.
— Trích từ “Động Sơn Lương Giới thiền sư ngữ lục”
*
Hoàng Bá Hy Vận (黃蘖希運 ?- 850, là một vị Thiền sư Trung Quốc, một trong những nhân vật nổi tiếng của Thiền tông đời nhà Đường. Sư là Pháp tự của Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải và là thầy của Lâm Tế nghĩa Huyền, người đã sáng lập dòng thiền Lâm Tế được truyền cho đến ngày nay. Sư có 13 môn đệ đắc pháp. Tướng quốc Bùi Hưu có cơ duyên được học hỏi nơi sư và để lại hậu thế quyển sách quý báu với tên Hoàng Bá Sơn Đoạn Tế Thiền sư truyền tâm pháp yếu, được gọi tắt là Hoàng Bá truyền tâm pháp yếu. Những lời dạy của sư trong sách này là những nguồn cảm hứng sâu đậm nhất trong thiền ngữ.
*
Động Sơn Lương Giới (洞山良价, 807 – 869) là Thiền sư Trung Quốc đời Đường, pháp tự của Thiền sư Vân Nham Đàm Thạnh. Cùng với môn đệ là Tào Sơn Bản Tịch, sư sáng lập tông Tào Động – một dòng Thiền vẫn còn lưu truyền đến ngày nay tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và được truyền sang phương Tây. Sư quyền khai Ngũ vị để giáo hóa học đồ, đời sau gọi là Động Sơn ngũ vị.