Lưu Vũ Tích (Đường) (772 – 842)
Núi không cao nhưng có tiên thì vang tiếng;
Sông không sâu nhưng có rồng ắt linh thiêng.
Căn nhà đơn sơ, nhờ đức ta mà dạng danh
Rêu phủ trên thềm, cỏ xanh giăng khắp lối,
Cười nói có danh nho, đến đi không khách tục.
Gảy có cây đàn mộc, đọc thêm quyển Phật kinh.
Không có tiếng đàn sáo làm loạn thần, chẳng chát thư công văn nhọc thân.
Sánh ngang lều cỏ của Gia Cát Lượng ở Nam Dương, đình Triệu Tử Long ở Tây Thục.
Khổng Tử nói: “Đơn sơ ở điểm nào?”
— Trích từ “Toàn đường thi”
*
Lưu Vũ Tích (劉禹錫, 772- 842) tự: Mộng Đắc (夢得); là viên quan và là nhà thơ Trung Quốc thời Trung Đường. Ông là người Lạc Dương (nay là thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam). Nguyên quán tổ tiên ông ở Trung Sơn, nay là huyện Định, tỉnh Hà Bắc.
19 tuổi, Lưu Vũ Tích đến học ở kinh đô Trường An (nay là Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây).
Năm 793, khi 21 tuổi, ông thi đỗ Tiến sĩ, sau lại đỗ thêm khoa Bác học hoành từ.
Dưới thời Đường Thuận Tông (ở ngôi: 805), ông cùng với Liễu Tông Nguyên giúp Vương Thúc Văn chấp chính, có đề ra một số biện pháp canh tân. Nhưng không lâu sau, Vương Thúc Văn bị giáng chức, ông cũng bị đưa đi làm Tư mã Lãng Châu (nay là Thường Đức, tỉnh Hồ Nam), bấy giờ ông 33 tuổi.
Chín năm sau (814), Lưu Vũ Tích được triệu về kinh đô. Rồi vì bài thơ làm ở Huyền Đô quán (Trường An), xúc phạm giới cầm quyền, ông lại bị đưa đi làm Thứ sử ở Liên Châu (nay là huyện Liên, tỉnh Quảng Đông). Về sau, ông còn làm Thứ sử ở Quỳ Châu và Hòa Châu, có nghĩa là còn bị đày nhiều năm nữa.
Những năm cuối đời, Lưu Vũ Tích về ở Lạc Dương, làm chức quan nhàn tản là Thái tử tân khách (tức làm tân khách của Thái tử). Đến đời Đường Vũ Tông (ở ngôi: 840-846), ông được phong làm Kiểm hiệu Lễ bộ Thượng thư.
Năm 842, Lưu Vũ Tích mất, thọ 70 tuổi. Tác phẩm thi ca của ông có Lưu Tân Khách tập, gồm 40 quyển.
Có hoài bão lớn, lại phải sống phiêu bạt nhiều năm, Lưu Vũ Tích sinh ra căm phẫn xã hội bất công. Vì vậy, ông làm khá nhiều bài thơ bộc lộ nỗi phẫn uất trong lòng, hoặc lấy cớ vịnh sử để tỏ chí bất khuất, hoặc lấy cớ vịnh vật để chỉ trích nền chính trị thối nát đương thời. Các bài như “Hôn kính từ” (Bài từ kính tối), “Dưỡng chí từ” (Bài từ nuôi chim cắt), “Tụ văn dao” (Khúc ca dao tụ đàn muỗi), “Độc Trương Khúc Giang tập tác” (Cảm tác khi đọc tập thơ Trương Khúc Giang),…đều bao hàm những điều ấy.
Thơ hoài cổ của ông cũng rất được tán thưởng, vì chúng đều chan chứa tình cảm ai oán bi thương. Nổi bật có các bài “Ô Y hạng” (Ngõ Ô y), “Tây Tái sơn hoài cổ” (Nghĩ lại chuyện xưa ở núi Tây Tái), “Kim lăng hoài cổ” (Nghĩ lại chuyện xưa ở Kim Lăng), “Thục tiên chủ miếu” (Miếu Thục tiên chủ),…
Mặt khác, vì từng sống lâu ở vùng sông Sở núi Ba, khiến ông sinh lòng yêu mến ca dao địa phương. Tiếp nối truyền thống học tập dân ca của Khuất Nguyên, ông làm ra chín thiên “Trúc chi từ” (theo làn điệu dân ca “Trúc chi từ” ở vùng Quỳ Châu) và chín bài từ theo điệu “Lãng đào sa”…Đây là những tác phẩm mang phong cách mới do ông hấp thu, dung hòa những cái hay cái đẹp của dân ca mà thành.
Ngoài thơ và từ, ông còn viết ba thiên “Thiên luận” (Bàn về trời, viết tiếp theo “Thiên thuyết” [Nói về trời] của Liễu Tông Nguyên), trình bày sâu sắc thêm tư tưởng vô thần. Do vậy, ông được xem là “nhà tư tưởng duy vật thô phác đời Đường”.
Nhìn chung, thơ ca của Lưu Vũ Tích thường trong trẻo, hùng hồn, tiết tấu khá hài hòa. Đương thời, ông được sánh ngang với Bạch Cư Dị (người đời gọi chung là Lưu-Bạch), còn Bạch Cư Dị thì gọi ông là “thi hào”.