365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 6 tháng 4: Thơ Mạnh Hạo Nhiên

Mạnh Hạo Nhiên (Đường) (689 – 740)

Sớm xuân

Xuân nồng một giấc say sưa

Giật mình chim đã hót khua vang trời

Đêm qua gió rít mưa rơi

Hoa kia mấy đóa tả tơi lìa cành.

— Trích từ “Mạnh Hạo Nhiên Tập”

*

Cùng anh em lên núi hiện

Cuộc đời vốn dĩ lắm đổi thay

Đậm nhạt tình người chuyện xưa nay

Thắng cảnh danh lam lưu dấu tích

Vượt núi trèo đèo ta đến đây.

Nước cạn ra sông thả lưới giăng

Đầm sâu trời lạnh vẫn thường hằng

Dương Công bia đá còn in dấu

Ngẫm xem chuyện cũ dạ băn khoăn.

— Trích từ “Hồ Quảng thông chí”

*

Ngày thanh minh đàm đạo cùng Mai đạo sĩ

Dưới rừng nằm ngủ buồn xuân sang

Hé cửa nhìn ra sắc hoa tàn

Chim gọi đưa tin Mai đạo sĩ

Mời ta trà đạo, luận giang san.

Bếp lò vừa khai lửa luyện đan

Đào tiên chớm hé nụ hoa vàng

Nếu được nghìn năm còn trẻ mãi

Tiếc chi chén rượu cạn cười vang.

— Trích từ “Ngự định bội văn trai vịnh vật thi uyển”

*

Bài ca đêm về núi Lộc Môn

Hoàng hôn chuông đổ chùa xa

Bến sông huyên náo đò qua rộn ràng

Thế nhân vội vã sang ngang

Thuyền ta lướt sóng an nhàn Lộc Môn.

Trăng vàng sương tỏa càn khôn

Dấu chân in bóng Bàng Công nơi này

Tùng xưa cửa đá ai hay?

Vắng lặng tịch tĩnh đêm ngày ẩn cư.

— Trích từ “Toàn Đường thi”

*

Mạnh Hạo Nhiên 孟浩然 (689-740) tên Hạo, tự Hạo Nhiên, hiệu Mạnh sơn nhân 孟山人, là nhà thơ Trung Quốc thời nhà Đường, cùng thời với Trần Tử Ngang, thuộc thế hệ đàn anh của Lý Bạch. Lý Bạch rất hâm mộ học vấn, tài năng và nhân cách của Mạnh Hạo Nhiên.

Ông sinh ra tại Tương Dương, Hồ Bắc, từng làm quan, nhưng ông không thích hợp với đám quý tộc lạm quyền, ông lui về ở ẩn, tìm lấy đời sống tao nhã ở Long Môn quê nhà và trong cuộc du ngoạn ở những nơi xa, khắp vùng đất. Ông đi nhiều, thấy nhiều, mạch thơ đầy ắp những khí chất hồn hậu của thiên nhiên núi sông diễm lệ, hợp với tâm hồn trong sáng của mình. Địa danh xuất hiện trong thơ ông đặc biệt là núi Lộc Môn, những nơi ông đã từng ẩn cư trong một thời gian ngắn. Ông được biết đến qua bài thơ của Lý Bạch có tựa “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”.

Ông để lại 260 bài thơ. Bài Lâm Động Đình được nhiều người truyền tụng.

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *