365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 3 tháng 3: Tâm an; dưỡng tâm ca

Thiệu Ung (Tống) (1011 – 1077)

Tâm an thân tự an

Thân an nhà khang trang.

Tâm và thân đều an

Phiền muộn chẳng liên quan.

Ai bảo thân này nhỏ?

An đấy như Thái San.

Ai bảo nhà này nhỏ?

Tựa trời đất muôn ngàn.

– Trích từ “Kích nhưỡng tập”

*

Dưỡng Tâm ca

Mong chi năm tháng kéo dài

Vui mừng thôi cứ mãi hoài mừng vui

Thế gian muôn sự tại trời

Âu sầu chi để rối bời ruột gan.

Tâm an thế giới cũng an

Xưa nay hưng phế sánh ngang trò đùa

Tiền tài, danh vọng hơn thua

Đầu gươm máu đổ tích xưa họ Hàn.

Đào Tiềm vui với cúc vàng

Bên hồ Phạm Lãi chuyện bàn lau xanh

Lâm Đồng hội ấy vang danh

Đan Dương sáo nọ âm thanh vẫn còn.

Tiêu dao vui thú cỏn con

Học theo Hiền Thánh lòng son sao đồng?

Áo thô cơm bạc thong dong

Dưỡng tâm vui thú thoát vòng trần ai.

– Trích từ “Thiệu Nghiêu Phu tiên sinh thi toàn tập”

*

Thiệu Ung 邵雍 (1011-1077) tự là Nghiêu Phu 堯夫, hiệu là Khang Tiết 康節, là triết gia, nhà lý học đời Tống. Ông sinh vào năm thứ 4 đời Tống Chân Tông và mất năm thứ 10 đời Tống Thần Tông, thọ 67 tuổi. Mấy lần vua vời, nhưng không chịu ra làm quan.

Là một trong 5 học giả lớn của Bắc Tống (Bắc Tống ngũ tử), Thiệu Ung cùng với Chu Đôn Di, Trương Tái, Trình Hạo, và Trình Di thành lập Tống Minh Lý Học. Đây được coi là bước ngoặt lớn trong sự phát triển của Nho giáo Trung Hoa.

Thiệu Ung là học giả rất tinh thông lý số, đã soạn “Hoàng cực kinh thể” cắt nghĩa về thuyết khí vận. Về thơ, ông có tập “Kích nhưỡng” bao gồm đủ thể. Ở Việt Nam tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt, đó là các tác phẩm “Mai hoa dịch số” và “Vận mệnh đời người theo năm, tháng, ngày, giờ sinh”.

*

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *