Cuộc đời đại danh y
Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, ông sinh năm 1330 tại làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), pháp hiệu là Tuệ Tĩnh thiền sư, biệt danh là Hồng Nghĩa. Tuệ Tĩnh mồ côi cha, mẹ từ lúc 6 tuổi, được sư trụ trì chùa Nghiêm Quang (chùa Giám ngày nay) nuôi ăn học, sau đó được sư cụ chùa Giao Thủy ở Sơn Nam (nay là chùa Keo thuộc tỉnh Nam Định) tu học.
Vốn là người thông minh, ham học, năm 22 tuổi, Tuệ Tĩnh thi đỗ Thái học sinh đời vua Trần Dụ Tông, niên hiệu Thiệu Phong thứ 12 (1351) nhưng không ra làm quan mà tu ở chùa Nghiêm Quang chuyên tâm nghiên cứu y học giáo lý, ông lấy vườn chùa làm cơ sở trồng thuốc.
Trước tình cảnh nhân dân đói nghèo, bệnh tật, ông đã chế tạo được nhiều dược liệu, chữa bệnh không lấy tiền, huấn luyện tăng ni trong chùa trở thành thầy thuốc. Với phương châm “Nam dược trị Nam nhân”, ông chủ động đi tìm nhiều cây thuốc về trồng tại vườn chùa, gây dựng phong trào trồng thuốc trong nhân dân, thu trữ thuốc để kịp thời chữa bệnh. Với sự truyền bá các phương thuốc đơn giản và dược tính bằng thơ chữ Nôm dễ nhớ, dễ hiểu, Tuệ Tĩnh đã thúc đẩy nguồn dược liệu phát triển, xây dựng quan điểm y học dân tộc.
Năm Giáp Tý (1384), vua nhà Trần phái Tuệ Tĩnh đi sứ nhà Minh. Lúc đó, Hoàng Hậu nhà Minh đang mắc trọng bệnh, các thầy thuốc đều “lực bất tòng tâm”, Tuệ Tĩnh đã dùng thuốc Nam chữa khỏi. Trước tài năng của ông, vua Minh đã phong ông làm “Đại y Thiền sư” và giữ ông ở lại. Sau này, ông mất tại Giang Nam (Trung Quốc).
Trong 30 năm dòng, Tuệ Tĩnh đã xây dựng 24 ngôi chùa, đưa các chùa này thành y xá chữa bệnh. Ông là người nắm vững y lý Đông y, có công đầu trong việc nghiên cứu dược tính và chẩn trị bằng thuốc Nam, huấn luyện các tăng ni làm thuốc và chữa bệnh, phổ biến cho mọi người những bài thuốc thông thường để có thể tự điều trị.
Ngoài y dược phục vụ con người, Tuệ Tĩnh còn tập hợp những bài thuốc chữa bệnh cho gia súc, phục vụ sản xuất, đặt cơ sở cho ngành thú y dân tộc. Những tác phẩm y dược lớn và giá trị, tiêu biểu mà ông để lại là hai cuốn: Nam dược thần hiệu (Nam dược chỉ nam) và Hồng Nghĩa giác tư y thư (Thập tam phương gia giảm)… mỗi tác phẩm của ông đều có ảnh hưởng trong giới y học nước nhà. Cho đến ngày nay, những tác phẩm đó vẫn là những di sản quý báu đang được kế thừa và phát huy trong việc xây dựng nền y học dân tộc hiện đại. Nhân dân suy tôn Tuệ Tĩnh là “vị thánh thuốc Nam”…
Khoảng gần 300 năm sau, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638-1699), người cùng làng với Tuệ Tĩnh đi sứ sang Trung Quốc. Trên đường đi, ông đã tìm thấy mộ cụ Tuệ Tĩnh. Ở tấm Bia trên mộ có in dòng chữ: “Đời sau có ai sang đây thì nhớ cho hài cốt tôi về với”. Vì đang trên đường đi kinh lý, nên không thể đưa hài cốt cụ Tuệ Tĩnh về, Nguyễn Danh Nho bèn lấy tờ giấy bản ốp vào tấm Bia in lại dòng chữ đó. Về nước, Nguyễn Danh Nho khắc lại dòng chữ lên Bia đá rồi cho chuyển về quê. Khi vận chuyển, đến chỗ bây giờ là đền Bia, lúc này cả vùng quê đang bị ngập nước, bỗng dưng thuyền lật, tấm Bia rơi xuống không lấy lên được. Ít lâu sau, nước cạn, nhân dân tìm lại được Bia, thấy roi đất ở đây có hình con dao cầu (dao thái thuốc) nên đã dựng Miếu nhỏ để thờ Bia. Tại Đền Bia nơi thờ Thiền sư có viết hai câu đối, được dịch nghĩa như sau: “Mở rộng phương Tiên, công tế thế cao bằng Thái lĩnh. Sống nhờ của Phật, ơn cứu người rộng tựa Cẩm Giang.
Bí quyết dưỡng sinh của đại danh y
Thiền sư Tuệ Tĩnh đã đưa ra một bí quyết dưỡng sinh trường thọ rất nổi tiếng, tóm gọn trong 14 chữ: “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần. Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”.
Bế Tinh
Tinh tức chất tinh túy được cơ thể chắt lọc từ thức ăn, từ các chất bổ dưỡng. Tinh đầy đủ thì sức khỏe khang kiện, tính tình vui vẻ, hăng hái, yêu đời. Nếu người ta thiếu thốn nó thì thường bệnh hoạn, ốm đau, bi quan, buồn chán. Tinh bị hao tổn nhiều nhất trong sinh hoạt vợ chồng và nam nữ. Nhiều người cho dù có tuổi vẫn không biết chế ngự, vẫn không biết tiết chế ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và tinh thần.
Bế tinh được đề cập đến ở đây không phải là hoàn toàn tuyệt dục, chính là biết cách giữ gìn chất tinh túy trong cơ thể. Muốn sống thọ và có sức khỏe hãy coi nhẹ chúng, không nên hoang phí quá độ.
Dưỡng Khí
Tinh và khí có mối liên quan mật thiết với nhau, có tinh thì dưỡng khí mới có kết quả. Người xưa thường nói ‘Tinh hóa khí’, dưỡng khí là đem năng lượng khí trời trong sạch vào đan điền để biến thành tinh khí, thành năng lực luân lưu khắp châu thân để bảo toàn sự sống. Vì thế muốn dưỡng khí hữu hiệu thì phải bế tinh, phải biết tiết dục chứ không phải diệt dục. Khi tinh và khí đầy đủ, sung mãn thì bệnh tật không xâm nhập được từ đó có được một cơ thể quý báu.
Người ta khi đang khỏe mạnh thường rất ít chú trọng để tâm tới nó, chỉ khi bị các loại bệnh tật hành hạ khổ sở mới nhận thức được nó quý báu tới nhường nào. Nên nếu hiểu được đạo dưỡng sinh, biết dưỡng tinh khí ta mới có thể sống trường thọ. Phải bế tinh thì dưỡng khí mới có kết quả. Tinh cạn kiệt thì khí không thể điều động để trở thành năng lực nuôi sống, bảo toàn sức khỏe một cách tốt nhất.
Tồn thần
Tinh khí đầy đủ chẳng những giúp cho cơ thể khỏe mạnh mà còn giúp cho tinh thần sáng suốt, tinh anh. Thần là sắc khí hiện ra trên sắc mặt, trong cặp mắt. Khí và tinh hợp lại biến thành thần khí hay thần sắc. Nhìn sắc diện một người, có thể nhận ra được ngay họ có thần sắc hay không. Thần sắc đầy đủ thể hiện một sự lạc quan yêu đời, một cuộc sống sung mãn, thánh thiện. Thể chất và tinh thần có liên quan chặt chẽ với nhau. Tinh – khí – thần cũng lại như vậy, vì thế phải giữ tinh để hóa khí và từ tinh khí sẽ biến thành thần sắc.
“Tồn thần” còn có nghĩa là “giữ thần”, tồn thần là giữ gìn cho còn tồn tại. Thần sắc được tinh khí tạo ra, nhưng phải được bảo tồn. Tồn thần hay dưỡng thần cũng giống như ta sử dụng điện năng. Được cung cấp nhiều thì khả năng tồn giữ không mất, lại dồi dào thêm. Ngược lại, tiêu xài nhiều, tiêu phí nhiều thì khả năng tồn giữ bị tiêu hao. Thần bị hao tổn khi ta có quá nhiều cảm xúc tiêu cực như dễ giận hờn, thù oán, nhiều tham vọng hay tự cao, tự đại. Thần được lưu giữ nhờ sự bình an trong tâm hồn, nhờ giấc ngủ yên lành không mộng mị. Tóm lại, nên tập cho mình một phong thái sống, nếp sống, sinh hoạt và nghỉ ngơi điều độ, hài hòa. Cũng nên thuộc lòng câu nói sau đây: Tinh túc thì ít bệnh. Khí túc thì ít ăn. Thần túc thì ít ngủ. Muốn giữ cho tâm – thần được yên ổn, cần thực hiện thanh tâm, quả dục
Thanh tâm là giữ cho tâm trong sáng, không bị vẩn đục, không làm điều đê hèn, đố kỵ, tàn ác, cố chấp, không quá ham chuộng vật ngon của lạ, không quá lo ganh đua, đoạt lợi… Thanh tâm chính là tự tu tâm dưỡng tính, trau dồi đạo đức cao thượng, hành vi thanh nhã thuần khiết. Sống thanh cao thì tâm được thanh thản, tạng phủ hoạt động điều hòa, sức khoẻ được duy trì, thoải mái.
Quả dục là ít hoặc không ham muốn quá nhiều. Những ham muốn hằng ngày như có cơm ăn, áo mặc đầy đủ, học hành đỗ đạt, làm việc thành công, mưu cầu hạnh phúc, làm lợi cho cộng đồng… là điều mỗi người ít nhiều đều có. Tuy nhiên, tìm mọi cách giành giật lấy những điều đó và khi không được thì đau khổ, lo nghĩ, dằn vặt, thất vọng, tâm trạng rối bời, mất ăn mất ngủ thì không nên.
Thanh tâm quả dục chính là đạo dưỡng sinh. Người nghèo nhờ đó mà an khang, đức dày; người phú quý nhờ đó mà bình an, hưởng thọ lâu dài, rạng rỡ tổ tông, vinh danh hậu thế. Thanh tâm quả dục trong từng suy nghĩ, ngôn hành giúp đạt được thân tâm khỏe mạnh, có thể tự giác ngộ, đây là khởi nguồn của chính đạo.
Thủ chân! Thủ là giữ, Chân là chân lý. Thủ chân tức luôn theo đuổi điều mình cho là chân lý, là lý tưởng trong kiếp nhân sinh. Khi có mục tiêu, có lý tưởng để theo đuổi mới hiểu được giá trị thực sự của cuộc sống. Rất nhiều người coi tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, danh vọng, sắc đẹp là mục đích trong khi thực chất chúng chỉ là phương tiện. Nếu cả đời chỉ lo chạy theo những thứ vật chất này và tự biến mình thành nô lệ thì sẽ sống thật khổ sở không được yên thân.
Người biết sống, sáng suốt lúc nào cũng phân biệt rõ được phương tiện và mục đích. Họ luôn biết làm chủ cuộc sống chứ không bao giờ trở thành nô lệ. Mục đích của họ có thể có nhiều nhưng mục đích cao nhất sau cùng chính là thoát khỏi những ưu phiền của thế sự, những hạn hẹp của kiếp người. Người “thủ chân” thường là biết sống, có một ước mơ cao cả đề tìm cầu, thực hiện trong suốt cuộc đời. Họ sống ung dung, an nhiên tự tại, hài lòng với những gì mình đang có. Họ sống giản dị và biết cách dễ dàng vượt qua những ưu phiền.
Luyện hình chủ yếu là vận động cơ thể bởi đây là bản chất tiên thiên của sự vật. Không hoặc ít vận động là trái với quy luật tự nhiên. Vận động chân tay hay vận động trí óc đều là cần thiết với sinh mệnh, nhưng cần phải là vận động toàn thân. Tập khí công chính là phương pháp tốt nhất để thực sự vận động. Trong lúc tập luyện đã cùng một lúc động viên cả bốn phần: tâm, ý, khí, hình. Khí công có thể tạo cân bằng âm dương, điều hòa khí huyết, lưu thông kinh lạc, bồi dưỡng chân khí không những vậy còn có thể kéo dài tuổi thọ. Bí quyết dưỡng sinh này cũng chính là điều nên học hỏi, kiên trì thực hành để sống khỏe, hạnh phúc, tăng thọ, hữu ích./.
Xin chào Chuyên mục
Tôi là Bác sĩ Trần Quang Khang
Tôi rất ấn tượng với những chia sẻ của Viên Ngọc Quý
Tôi hy vọng có thể hỗ trợ về phần Luyện Khí Công và Dinh Dưỡng cân bằng
Điện thoại của tôi: 0984953545
Email: quangkhang76@gmail.com
Cảm ơn bài chia sẻ nhiều