“Chí hướng (3)” – Câu chuyện về ước mơ và hoài bão của tuổi trẻ

Vào một ngày xuân nắng đẹp, Sư phụ Lợi Nhân cùng học trò đi dạo. Dừng lại bên bờ sông, người quay sang nói với học trò:

– Mùa xuân là khởi đầu của vạn vật, trăm hoa đâm trồi, nẩy lộc, chim chóc rộn rã hát ca. Như những chú chim kia, các con rồi cũng sẽ bay đi tìm chân trời cho mình. Nay ta muốn nghe chí hướng của các con.

Tiểu Vũ đứng bên cạnh thưa:

– Nếu cho con một đoàn thể với một nghìn người, trong một năm, con sẽ nêu cao nhân nghĩa, đoàn thể đó sẽ đoàn kết một lòng, làm được nhiều việc ích cho nước, lợi cho dân.

Sư phụ mỉm cười quay sang hỏi Nghĩa Hành: “Hành thì sao?”.

Nghĩa Hành đứng dậy thưa:

– Nếu cho con một đoàn thể với một trăm người, con sẽ khiến mọi người sống và làm việc trong tình huynh đệ, giá trị của mỗi người sẽ được nâng cao, họ sẽ có kinh tế ổn định và đủ đầy. Họ sẽ có điều kiện lo cho gia đình và bằng hữu.

– Thế còn Khởi, chí hướng của anh thế nào?

Tâm Khởi đứng dậy lễ phép đáp:

– Nếu cho con một đoàn thể với mười người. Con sẽ luôn tôn trọng và yêu mến họ như người trong một nhà. Con sẽ lắng nghe, cảm thông, chia sẻ và khích lệ họ, khuyến khích họ thường xuyên luyện tập để có một thân thể cường tráng, thường xuyên đọc sách để nâng cao hiểu biết và tạo thêm sinh thú ở đời.

Sư phụ mỉm cười quay sang hỏi Tự Thành: “Thành, chí hướng của anh thì sao?

Tự Thành đang say sưa ngắm nhìn những bông hoa và đàn chim bay nhảy. Nghe sư phụ hỏi, anh lễ phép đáp:

– Thưa thầy, con không có được chí hướng như các bạn, con nói ra sợ thầy và các bạn chê cười.

– Nào có thiệt hơn gì. Ai chẳng có chí hướng. Anh cứ nói cái chí của anh cho mọi người cùng nghe.

– Con chỉ nghĩ làm sao mỗi ngày được đưa cha mẹ đi lên núi hóng mát; ở nhà, vợ được nấu những món ăn ưa thích; ngày ngày được nhìn đám trẻ  tự do nô đùa. Còn thời gian, con tập viết chữ để luyện tâm.

*

Sau buổi du xuân, học trò ai về nhà nấy, Minh Nhiên người học trò nhỏ tuổi nhất đến bên hỏi thầy.

– Thưa thầy, sáng nay bên bờ sông, thầy hỏi về chí hướng, các sư huynh đều đã trả lời chí hướng của riêng mình. Con chỉ thấy thầy mỉm cười mà không thấy thầy bàn về chí hướng của ai cả?

Sư phụ đáp:

– Vậy con thử nói ta nghe, con thấy chí hướng của các anh con thế nào?

– Con thấy mỗi anh đều có cái chí của mình. Anh Tiểu Vũ chí bao trùm thiên hạ. Anh Nghĩa Hành đặt chí ở một nước nhỏ. Anh Tâm Khởi chí ở một vùng đất. Còn anh Tự Thành thì lấy gia đình làm trọng. Nhưng sao thầy không bàn về cái chí của bốn anh?

Sư phụ mỉm cười trả lời:

– Ta nhớ ngày trước thầy ta có từng dạy: “Giữa chốn ba quân có thể đoạt được soái ấn, nhưng không thể đoạt được cái chí của kẻ thất phu”. Ai cũng có cái chí của riêng mình. Khi đã có chí thì hướng nào đi cũng được. Và điều quan trọng là ta có thể đi hết con đường mà ta đã chọn hay không? Thân thể này là do cha mẹ sinh ra, nhưng tính là do trời sinh. Mà đã do trời sinh thì sao có thể lạm bàn? Đạo của thầy ta chỉ là giúp các con nhận ra cái bản tính của mình mà thôi.

Nói rồi, sư phụ nhẹ bước vào nhà trong, vừa đi vừa đọc:

“Tiểu Vũ nổi lên mang sóng lớn

Nghĩa Hành tận tuỵ giữ đạo trung

Tâm Khởi an nhiên cày ruộng phước

Lên núi, hát ca tự nhiên thành”./.

DMT

Bạn có thể quan tâm tới các bài viết:

1. “Chí hướng” – Câu chuyện về ước mơ và hoài bão của tuổi trẻ

2. “Chí hướng (2)” – Câu chuyện về ước mơ và hoài bão của tuổi trẻ

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *