Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong

Tiểu Thiện hỏi sư phụ Lợi Nhân:

– Con người chẳng phải thánh nhân, nên khó có thể tránh được lỗi lầm. Xin sư phụ chỉ cho con cách làm thế nào để hạn chế được lỗi lầm, cách nhận ra lỗi lầm và cách sửa lỗi.

Sư phụ Lợi Nhân đáp:

– Có ba điều con nên cân nhắc kỹ trước khi làm bất cứ việc gì:

Thứ nhất, việc lợi người lợi mình. Việc lợi người không hại mình.

Thứ hai, việc lợi mình không lợi người. Việc lợi mình không hại người.

Thứ ba, việc hại người, hại mình. Việc hại người, lợi mình. Việc lợi người, hại mình.

– Thưa thầy, ba điều đó có nghĩa là gì?

Sư phụ Lợi Nhân đáp:

– Thứ nhất gọi là việc tốt, Thứ hai gọi là việc chưa tốt, Thứ ba là việc xấu. Không gì là tốt hoàn toàn cũng như không gì là hoàn toàn xấu. Vì vậy, không có việc gì nhất thiết phải làm và không có việc gì nhất thiết không làm. Khi nào, thấy hợp nghĩa, hợp thời thì làm. Đó là cách để con có thể hạn chế được lỗi lầm.

– Vậy đâu là cách để con nhận ra được lỗi?

Sư phụ Lợi Nhân đáp:

– Nghĩ tới việc xa, phải nên nêu cao cái đức của tổ tông. Nghĩ gần, phải đền bồi lỗi lầm cho cha mẹ (nếu có). Trên nghĩ việc báo ân tổ quốc, dưới nghĩ việc tạo phúc cho gia đình. Bên ngoài nghĩ việc cứu người khi cần cấp, bên trong đề phòng khắc phục tà kiến của mình. Ngày ngày cần phải xét lỗi để ngày ngày cải sửa. Một ngày mà không biết xét chỗ sai trái của mình là ngày đó mình đã an nhiên tự thị, yên trí tự coi mình là đúng. Một ngày mà không có lỗi nào để sửa là ngày đó không có một chút tiến bộ nào.

– Vậy, con có thể sửa lỗi bằng cách nào, thưa sư phụ?

Sư phụ Lợi Nhân đáp:

– Có ba cách để hàng ngày con tự răn và tự sửa mình:

Sửa theo sự tướng (sự việc hàng ngày): Ngày hôm nay làm gì chưa tốt thì lưu ý để ngày mai không lặp lại nữa. Ví dụ: Hôm nay lời nói chưa được chín chắn, chưa được khiêm tốn, ngày mai sửa sao cho khiêm tốn và chín chắn. Đây là cách dễ làm nhưng không sửa được gốc của vấn đề.

Sửa theo lý: Phàm việc gì cũng đều có nguyên nhân và kết quả; tìm ra cái nguyên nhân sâu xa của vấn đề để sửa và sửa theo cái lý đó. Ví dụ: Nóng giận không kiềm chế được cảm xúc bởi vì sao? Theo lý mà nói con người chứ chẳng phải thánh nhân, ai chẳng có lỗi lầm, vậy ta nên thông cảm. Như vậy sẽ hết nóng giận. Họ phạm lỗi là do họ không hiểu đạo lý, liên quan gì đến ta, ta không chấp trước thì sao phải giận. Nóng giận chẳng những vô ích mà còn có hại.

Sửa theo tâm địa: Tâm không động niệm thì lỗi sao có thể nảy sinh? Một lòng một dạ thành tâm nghĩ đến điều lành, làm điều thiện thì lỗi ắt tự tiêu tan.

Sư phụ Lợi Nhân nhẹ bước quanh hồ với hương sen tháng năm ngào ngạt, rồi Người đọc:

“Bao nhiêu lầm lỗi cũng do tâm,

Tâm tịnh còn đâu dấu lỗi lầm.

Sám hối xong rồi lòng nhẹ nhõm,

Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong”./.

Tài liệu tham khảo

1. Liếu phàm tứ huấn.

2. Kệ sám hối – Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *