Hôm nay, tôi và một vài người bạn học cùng sự phụ Lợi Nhân lên núi dạo chơi. Thầy trò chúng tôi vừa đi vừa ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, thiên nhiên thật là hùng vĩ.
Khi leo đến lưng chừng núi, tôi bắt đầu thở dốc, mặt đỏ bừng, mồ hôi toát ra như tắm, dường như đã thấm mệt. Thấy vậy, sư phụ cho cả đoàn dừng lại nghỉ chân dưới một gốc cây. Nhìn đám học trò tranh nhau thở, sư phụ mỉm cười hỏi:
– Các anh có biết thế nào là “Dĩ dật đãi lao” không?
Nghĩa Hành nghĩ một lúc rồi lễ phép trả lời:
– Thưa thầy, “Dĩ dật đãi lao” có phải là một trong 36 kế trong Binh pháp Tôn Tử không?
– Đúng! Nhưng anh có biết dùng nó vào việc leo núi không?
Nghĩa Hành và đám học trò nhìn nhau xin sư phụ chỉ giáo. Sư phụ nhìn một lượt từng học trò rồi nói:
– Các anh leo núi thấy mệt mỏi như vậy là các anh chưa biết dùng kế “Dĩ dật đãi lao”. Thế này nhé, khi leo núi, đi được 30 bước chân, dù không mệt hãy đứng lại nghỉ, đến khi hơi thở trở lại bình thường, hãy đi tiếp. Sức khá hơn có thể đi quãng đường xa hơn mới cần nghỉ.
Vậy, đi quãng đường xa hơn bằng cách nào? Bước một cách chậm dãi, đặt chắc chân trước xuống, rồi nhấc chân sau lên trong tư thế thả lỏng. Khoảng thời gian nghỉ ngơi đó của chân sau sẽ giúp ta đi được xa hơn. Giống như quả tim của chúng ta, nó cũng chỉ làm việc có một nửa thời gian của cuộc đời. Sau mỗi lần đập, nó lại nghỉ một quãng bằng đúng quãng thời gian mà nó làm việc. Vậy nên quả tim có thể làm việc suốt cuộc đời ta mà không mệt mỏi.
Đám học trò chúng tôi vô cùng thích thú, thi nhau thực hành theo cách mà su phụ Lợi Nhân vừa truyền đạt. Một ngày dạo chơi thú vị, tôi đã học được nhiều điều bổ ích từ sư phụ và những người bạn học của mình.
Về đến nhà, tôi tiếp tục suy nghĩ về “Dĩ dật đãi lao” và những câu chuyện mà sư phụ Lợi Nhân đã kể. Sau khi suy ngẫm rất lâu về những điều đó, tôi bừng tỉnh nhận ra rằng, sư phụ đã truyền cho chúng tôi một phương pháp dưỡng sinh, một phương pháp sống thật sâu sắc.
***
Mọi sự, mọi vật đều tuân theo lẽ vô thường, nghĩa là không có gì là thường tại, bất biến. Sức khỏe và trí tuệ của ta cũng vậy, nó luôn thay đổi. Sinh lão bệnh tử là quy luật tất yếu của đời người. “Dĩ dật đãi lao” có thể làm cho cuộc sống ý nghĩa và là cách để có thể sống trọn tuổi trời.
Chẳng như vậy mà không quản ngày nắng hay mưa, lạnh giá hay oi bức Sư phụ vẫn lên núi dạo chơi. Những ngày nắng nóng gay gắt, người ta trốn trong điều hòa, Ngài lên núi. Những ngày mưa, đường vắng tanh, Ngài lên núi. Người ta nhậu nhẹt say sưa, Ngài lên núi… Vì Ngài hiểu rằng, nếu mình không “Dĩ dật đãi lao”, không có sự chuẩn bị, không sớm thì muộn, sự già nua, bệnh tật sẽ sớm đến với mình.
Có người nói trêu rằng: “Ngài cũng sợ chết nhỉ?”. Ngài cười lớn và bảo: “Cũng đúng mà cũng không đúng. Ai chẳng sợ chết, tôi thì có khác. Hiểu chết là điều không thể tránh khỏi thì sao phải sợ. Nhưng không vì thế mà tôi coi thường sự sống. Sống ở cảnh nào phải biết vui với cảnh đó, như Trang Châu mộng hồ điệp vậy”.
Có thể nói “Dĩ dật đãi lao” như là một triết lý sống vậy, nó giúp cho cuộc sống của chúng ta luôn ung dung tự tại, vì không có việc gì là khó cả. Bởi những việc khó đều được làm từ lúc còn dễ thì làm gì còn khó nữa./.