Hai cái chăn

Có một vị chân tu, từ bỏ tất cả mọi của cải thế gian, chỉ còn giữ lại hai cái chăn (xà rông) để thay đổi thôi.

Ngày kia, có một ông vua trong xứ mời đến một khu rừng ven đền vua để đàm luận về Đạo.

Trong khi nói chuyện về Đạo, bỗng đền vua phát hỏa cháy rực đỏ trời. Nhà vua vẫn cứ bình tĩnh ngồi yên chăm chú nghe luận đàm; trái lại vị cao tăng kia, cặp mắt dớn dác, cứ dòm chừng mãi đám cháy…

Là vì hồi sáng này, ông có phơi cái chăn gần đó.

Truyện cổ Ấn Độ

Lời bàn:

Xưa nay, phần đông chúng ta vẫn đinh ninh rằng: Giàu sang và đạo đức không thể đi đôi với nhau, và giải thoát khởi đầu bằng sự từ bỏ, không để ngoại vật buộc ràng. Ngay cả Jesus còn bảo với kẻ muốn theo ngài: “Hãy về bán sạch sự sản của người và phân phát cho tất cả mọi người, bấy giờ sẽ đến cùng ta.

Vị tu sĩ trên đây đã từ bỏ tất cả, chỉ giữ có hai cái chăn, một cái có dơ thì có cái kia thay thế. Như vậy là sống đơn giản đến tột cùng rồi. Có thua gì lão Diogene ngày xưa bên Hy Lạp sống trong một cái thùng không, nhưng khi thấy một đứa bé uống nước trong bụm tay, bèn đập quách cái chén duy nhất của mình đã dùng để múc nước. Lão đâu chịu thua đứa bé về đời sống đơn giản của nó. Người tự do là người ít nhu cầu cần thiết, những nhu cầu không tự nhiên.

Nhà vua phú hữu tứ hải lẽ ra là người bị nô lệ nhiều nhất trong công danh sự nghiệp và của cải của ông hơn nhà tu sĩ kia biết mấy. Vậy mà trớ trêu thay, ông lại là người không kẹt mắc vào đâu cả: Ông đã làm chủ được ngoại vật. Trái lại, vị tu sĩ, tuy đã từ bỏ tất cả để được tự do, vậy mà lại bị kẹt vì một cái chăn!

Thế thường, có hai cách để thoát khỏi nô lệ sự vật. Hoặc là từ bỏ nó, hoặc là chiếm đoạt nó để sai khiến nó. Nhưng phải coi chừng!

Còn sợ ngoại vật quyến rũ mà trốn tránh nó, từ bỏ nó, là còn bị ngoại vật ám ảnh và khu xử tâm hồn mình một cách nặng nề hơn, vì như Lão Tử đã nói: “Tương dục phế chi, tất cố hưng chi” (Hòng muốn ức chế nó, càng làm cho nó hưng khởi mạnh hơn). “Tôn chi nhi ích” (Càng bớt là càng thêm). Cọp đói dữ hơn cọp no. Con người đâu phải là một vị thánh, cũng đâu phải là một con thú, mà là cả hai, như Pascal đã nói.

Chiếm đoạt ngoại vật để làm chủ nó, lại cũng phải coi chừng: Không khéo đã chẳng những không làm chủ được nó mà bị nó làm chủ thì nguy.

Giàu, đâu phải có hại đến đạo đức; nghèo, cũng đâu phải có lợi cho đạo đức. Giàu hay nghèo là một vấn đề thuộc phẩm chứ không phải thuộc lượng. Người tự do là tự do, không phải nhờ giàu có mới có tự do, cũng không phải bị nghèo mà mất tự do. Có lẽ đó là một trong nhiều huyền nghĩa của bài văn u mặc trên đây.

(Trích trong sách “Cái cười của Thánh nhân” tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần)

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *