Mạn thuật bài 5 – Nguyễn Trãi

Nguyễn Trãi

Sơn thuỷ nhàn chơi phận khó khăn,
Cửa quyền hiểm hóc ngại chồn chân.
Say minh nguyệt, trà ba chén,
Thích thanh phong, lều một gian.
Ngỏ cửa nho, chờ khách đến,
Trồng cây đức, để con ăn.
Ðược thua phú quý dầu thiên mệnh,
Chen chúc làm chi cho nhọc nhằn?

“Mạn thuật – bài 5” của đại thi hào Nguyễn Trãi là một trong những bài thơ nổi tiếng trong tập “Quốc âm thi tập” – tập thơ đại thành đầu tiên sử dụng chữ Nôm trong lịch sử sáng tác thơ văn của người Việt. 

Bài thơ được viết khoảng năm 1431, khi đó Nguyễn Trãi 51 tuổi. Đó là khoảng thời gian ông đi nhận chức quan Thầy chùa ở Côn sơn (một dạng quản thúc tại gia) sau khi ông bị Lê Thái tổ (Lê Lợi) giam cầm do bị nghi ngờ liên quan tới vụ án tạo phản của Thái uý Phạm Văn Xảo và tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn mà đến nhiều đời sau mới được minh oan. 

Bài thơ nói lên tâm trạng của một đại trí thức bị quản thúc tại gia, dù chấp nhận và an vui với hiện tại nhưng lòng vẫn canh cánh việc nước việc dân.

 “Sơn thuỷ nhàn chơi phận khó khăn/Cửa quyền hiểm hóc ngại chồn chân”. Cảnh quan trường hiểm ác, trên thì quỳ gối khom lưng, xun xoe nịnh bợ, dưới thì hống hách, đe nẹt. Cái cảnh đó với một người tri thức chính trực như Nguyễn Trãi thì không còn xa lạ mà còn sái sẩm muốn tránh xa.

Nhưng dù trong cảnh đời đầy ô trọc đó ông vẫn giữ được cái tinh thần nhàn nhã dong chơi sơn thuỷ. Chỉ với một túp lều đơn sơ với ba chén trà là có thể thả hồn say sưa với ánh trăng và tận hưởng được cái khí trong lành của đất trời (Say minh nguyệt, trà ba chén/Thích thanh phong, lều một gian).

Nhưng bên cạnh cái tinh thần nhàn nhã của một người ẩn sĩ, Nguyễn Trãi vẫn canh cánh trong lòng việc nước, việc dân. Ông vẫn để ngỏ cánh cửa lòng mình (Ngỏ cửa nho, chờ khách đến) để mong chờ một ngày được triệu hồi và được thể hiện tấm lòng trung trinh với xã tắc quốc gia.

Quẻ Bĩ của Kinh dịch có nói “Quân tử dĩ kiệm đức tị nạn, bất khả vinh dĩ lộc”, nghĩa là gặp thời khó khăn, bế tắc, người quân tử nên ở ẩn và thu cái đức của mình lại (đừng hành động gì cả, nên riêng giữ cái đức của mình), đừng màng chút lợi danh nào cả để tránh tai nạn. Nguyễn Trãi cũng vậy, hơn ai hết ông hiểu cái thói tranh đố nơi quan trường và đặc biệt là cảnh hàm oan của mình, nên ông nén lòng để bảo toàn lấy cái đức cho mai sau (Trồng cây đức, để con ăn).

Và vẫn biết chuyện thịnh suy, được thua, phú quý… đều có đã có định sẵn, vậy sao người đời vẫn phải nhọc nhằn chen chân mưu cầu? (Được thua phú quý dầu thiên mệnh/ Chen chúc làm chi cho nhọc nhằn?).

Đọc “Mạn thuật” của Nguyễn Trãi, ta mới thấy rằng:

Cảnh xưa nay tuy khác.

Người nay tuy khác xưa.

Chỉ chân tâm vẫn đó.

Theo ta suốt ngày ngày./.

Hưng Hòa.

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *