365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 31 tháng 3: Vĩnh Gia chứng đạo ca

Vĩnh Gia chứng đạo ca

Vĩnh Gia Huyền Giác (Đường) (665 – 712)

Đốn ngộ rồi, Như Lai thiền

Lục độ vạn hạnh vẹn nguyên tròn đầy

Mộng thời sáu cõi rõ thay

Tỉnh ra trống rỗng còn hoài vô biên.

Không tội phúc, không ưu phiền

Thể tính tịch diệt hỏi tìm chi ai

Bấy lâu gương bụi trần ai

Nay cần lau rửa phân khai rõ ràng.

Mặc chê bai, mặc phàn nàn

Đốt trời chất lửa xác phàm nhọc thêm

Cam lồ nước uống hằng đêm

Dung hòa đốn nhập dịu êm nghĩa mầu.

Lời mắng ấy, công đức mau

Bậc thiện tri thức đỡ đầu cho ta

Oán ghét báng bổ sinh ra

Từ bi, nhân nhục, đó là vô sinh.

Vòng sắt trên đỉnh đầu mình

Định tuệ sáng suốt phân minh vô ngần

Mặt trời trở lạnh toàn thân

Trăng kia tan chảy lời chân vẫn còn

Mắng ta như mắng trời son

Mau mau tỏ ngộ người còn đợi chi.

*

Vĩnh Gia thiền tông tập chú

Tính hạnh nhu hòa

Chẳng vạch lỗi người

Không ca ngợi mình

Chẳng tranh với đời.

Thân sơ bình đẳng

Chẳng khởi phân biệt

Không sinh oán ghét

Không tham của người.

Của mình sẻ chia

Chẳng ham chiếm giữ

Lòng luôn ngay thẳng

Tâm không nóng nảy.

Thường vui nhịn nhường

Miệng nói lời hay

Thân làm điều thiện

Tâm tịnh cao thanh

Ba nghiệp trong sạch.

— Trích từ “Thiền tông Vĩnh Gia tập”

*

Vĩnh Gia Huyền Giác (yòngjiā xuānjué 永嘉玄覺), 665-713, là Thiền sư Trung Quốc đời Đường. Sư còn có các tên Minh Đạo (明道), Chân Giác (眞覺), và Đạo Minh (道明), là đệ tử được Huệ Năng ấn chứng. Sư tinh thông cả ba tông, Thiền, Thiên Thai, và Hoa Nghiêm, nổi tiếng với tên Nhất Túc Giác (一宿覺), có nghĩa là “giác ngộ trong một đêm” với câu chuyện sư nghỉ lại chỉ một đêm với Lục tổ. Sư còn là tác giả của 2 tác phẩm ngắn nhưng rất thông dụng là Chứng đạo ca (證道歌) và Thiền Tông Vĩnh Gia tập (禪宗永嘉集). Cả hai tác phẩm đều giải quyết những vấn đề tư tưởng quan trọng trong giai đoạn ấy và cũng là đề tài của luận Đại thừa khởi tín, kinh Viên Giác, kinh Thủ Lăng Nghiêm.

Sư họ Đới, quê ở Vĩnh Gia, Ôn Châu. Sư xuất gia từ nhỏ và sớm tham học Đại tạng kinh, tinh thâm Chỉ-Quán. Nhân xem kinh Duy – ma – cật sở thuyết, sư hoát nhiên liễu ngộ. Môn đệ của Lục tổ Huệ Năng là Thiền sư Huyền Sách thấy sư đàm luận lời lẽ thích hợp với chư Tổ bèn khuyên sư đến Lục tổ để được ấn chứng chỗ sở đắc. Trận Pháp chiến sau đây giữa sư và Tổ đã đi vào lịch sử của Thiền tông:

Sư cùng Huyền Sách đến Tào Khê tham vấn Tổ. Đến nơi, sư tay cầm tích trượng, vai mang bình bát đi nhiễu Tổ ba vòng. Tổ hỏi: “Phàm Sa-môn phải đủ ba ngàn uy nghi tám muôn tế hạnh, Đại đức là người phương nào đến mà sinh đại ngã mạn như vậy?”

Sư thưa: “Sinh tử là việc lớn, Vô thường quá mau.”

Tổ bảo: “Sao không ngay nơi đó thể nhận cái vô sinh, liễu chẳng mau ư?”

Sư thưa: “Thể tức vô sinh, liễu vốn không mau.”

Tổ khen: “Đúng thế! Đúng thế!”

Đại chúng nghe vậy đều ngạc nhiên. Sư bây giờ mới đầy đủ trang nghiêm lễ bái Tổ. Lát sau, sư cáo từ, Tổ bảo: “Trở về mau quá!”

Sư thưa: “Vốn tự không động thì đâu có mau.”

Tổ hỏi: “Cái gì biết không động?”

Sư thưa: “Ngài tự phân biệt.”

Tổ bảo: “Ngươi đạt ý vô sinh rất sâu!”

Sư thưa: “Vô sinh há có ý sao?”

Tổ hỏi: “Không có ý, cái gì biết phân biệt?”

Sư thưa: “Phân biệt cũng không phải ý.”

Tổ khen: “Lành thay! Lành thay!”

Sư lưu lại một đêm hỏi thêm đạo lý và sau đó cùng Huyền Sách xuống núi. Thời nhân gọi sư là “Giác giả một đêm”, Nhất túc giác (一宿覺).

Sư sau trụ trì ở Ôn Giang, học chúng đến tấp nập. Đời Đường, niên hiệu Tiên Thiên thứ hai, ngày 17 tháng 10, sư ngồi vui vẻ thị tịch, thọ 49 tuổi. Vua sắc phong là Vô Tướng Đại sư, tháp hiệu Tịnh Quang.

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *