Sau buổi du xuân, học trò ai về nhà nấy, Minh Nhiên người học trò nhỏ tuổi nhất của sư phụ Lợi Nhân, nán lại gặng hỏi thầy.
– Thưa thầy, sáng nay bên bờ sông, con thấy thầy hỏi về chí hướng. Bốn anh con đều trả lời chí hướng của riêng mình. Con chỉ thấy thầy mỉm cười mà không có ý kiến gì?
Sư phụ Lợi Nhân đáp:
– Vậy con thử nói ta nghe, con thấy chí hướng của các anh con thế nào?
– Con thấy mỗi anh đều có cái chí của mình, người chí lớn, người chí nhỏ. Anh Tiểu Vũ thì chí bao trùm thiên hạ. Anh Nghĩa Hành thì đặt chí ở một nước nhỏ. Anh Tâm Khởi thì chí ở một vùng đất. Còn anh Tự Thành thì chí cho riêng gia đình mình. Nhưng sao thầy không bàn về cái chí của bốn anh?
– Con nghe ta nói rồi đấy, giữa chốn ba quân, khó như vậy nhưng vẫn có thể bắt được tướng soái, đoạt được ấn soái, còn cái chí của kẻ thất phu, làm sao có thể đoạt được. Cái chí của kẻ thất phu còn không đoạt được huống hồ mong gì đoạt được cái chí của bốn anh con. Nhưng ta rất vui, bởi bốn anh con, dù có chí hướng khác nhau nhưng đều hành theo cái đạo của ta. Vì vậy ta mỉm cười.
Nói xong, sư phụ nhẹ bước vào nhà trong, vừa đi vừa đọc:
“Tiểu vũ nổi lên mang sóng lớn
Nghĩa hành tận tuỵ giữ đạo trung
Tâm khởi an nhiên cày ruộng phước
Lên núi, hát ca tự nhiên thành”.
Minh Nhiên dõi theo từng bước đi của sư phụ. Trở ra, anh vừa đi vừa lẩm bẩm: Tiểu Vũ, Nghĩa Hành, Tâm khởi, Tự Thành…
Hưng Hòa
1. “Chí hướng” – Câu chuyện về ước mơ và hoài bão của tuổi trẻ
2. “Chí hướng (3)” – Câu chuyện về ước mơ và hoài bão của tuổi trẻ