365 ngày cho cuộc lữ hành – Ngày 1 tháng 3: Tìm xuân; Thấy hoa đào ngộ đạo; Bình thường là đạo; lối mòn tư duy

Tìm xuân

Vô Tận Tạng (Tống)

Suất ngày tìm xuân xuân ở đâu?

Giầy cỏ bước tận đỉnh mây đầu

Mỉm cười khẽ thoảng hương mai ấy

Xuân ở ngọn cành đợi bấy lâu.

– Trích từ “Lăng Nghiêm kinh tông thông”

*

Thấy hoa đào ngộ đạo

Linh Vân Chí Cần (Đường)

Tầm đạo ba mươi năm đợi chờ

Từng mùa lá đổ vẫn trăng mơ

Một phen được thấy hoa đào nở

Nghi sạch tiêu tan, sáng không ngờ.

– Trích từ “Ngũ đăng hội nguyên”

*

Bình thường là đạo

Vô Môn Huệ Khai (Tống) (1183 – 1260)

Xuân có trăm hoa, thu có trăng

Hạ về gió mát, tuyết đông giăng

Tâm không phiền muộn thiên hạ sự

Nhân gian Cực lạc có chi bằng?

– Trích từ “Thiền tông Vô môn quan”

*

Lối mòn tư duy

Liên Trì Chu Hoành (Minh) (1535 – 1615)

Lạnh giá trông mong cơn gió hạ

Hè về nhớ nghĩ tuyết đông qua

Lang thang cõi mộng tìm kiếm mãi

An nhiên tự tại cũng do ta.

— Trích từ “Vân Thê pháp vựng”

*

Thiền Sư Ni Vô Tận Tạng (?-676) người Khúc Giang, họ Lưu. Vô Tận Tạng là vị ni đầu tiên tại Nam Hoa Thiền Tự. Lục Tổ Huệ Năng được pháp từ Hoàng Mai trở về Nam, lúc qua Tào Khê ở thôn Tào Hầu, gặp ni Vô Tận Tạng hỏi về kinh Niết Bàn.

*

Linh Vân Chí Cần (靈雲志勤) là Thiền sư Trung Quốc đời Đường (khoảng thế kỷ 9) thuộc Tông Quy Ngưỡng. Sư là đệ tử đắc pháp của Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu. Sư nổi tiếng qua giai thoại ngộ đạo nhờ thấy hoa đào nở.

*

Vô Môn Huệ Khai (無門慧開, 1183 – 1260), là một vị Thiền sư Trung Quốc thuộc hệ phái Dương Kì tông Lâm Tế, nối pháp Thiền sư Nguyệt Lâm Sư Quán (月林師觀). Sư là vị Thiền sư nổi danh nhất thời, đến bây giờ vẫn còn được nhắc đến qua tập công án Vô môn quan.

*

Đại sư Liên Trì

Châu Hoành (1535-1615) họ Thẩm, tự là Phật Huệ, hiệu Liên Trì, người Nhân Hòa (nay là Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang). Ông xuất thân trong gia đình có danh tiếng, từ nhỏ đã được học sách thánh hiền. Về sau khi cha mẹ, vợ con lần lượt qua đời liên tiếp trong bốn năm, ông đã xuất gia. Những năm cuối đời ông thường sống tại chùa Vân Thê, nên người đời thường gọi ông là Liên Trì Đại sư hoặc Vân Thê Đại sư.

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *